Châu Á xoay trục xuất khẩu giữa cơn địa chấn thuế quan
Kinhtedothi - Đối mặt áp lực từ Mỹ, các nước châu Á đẩy nhanh nỗ lực mở rộng đối tác và giảm phụ thuộc xuất khẩu đơn lẻ.
Nhiều quốc gia châu Á đang nỗ lực tìm lối thoát sau khi nhận được thư cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng áp thuế cao nếu không có nhượng bộ thương mại đáng kể trước ngày 1/8. Đối với những nền kinh tế định hướng xuất khẩu sang Mỹ, việc tìm thị trường thay thế vẫn là một bài toán nan giải.
Tuy nhiên, chính phủ và doanh nghiệp các nước đang gấp rút tìm hướng đi mới. Việc Washington bất ngờ dựng thêm rào cản thương mại khiến không ít nhà lãnh đạo thế giới cảm thấy khó hiểu, nhất là khi họ đã nhiều lần cử phái đoàn đến Mỹ để đề xuất hợp tác và cải cách.
Phát biểu tại cuộc họp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng những công cụ từng thúc đẩy tăng trưởng đang bị sử dụng để gây áp lực và cô lập. Ông kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường thương mại nội khối và đầu tư lẫn nhau để đối phó sức ép bên ngoài.
Một số quốc gia đã có hành động cụ thể. Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung cử đặc phái viên đến Úc và Đức nhằm thúc đẩy hợp tác về thương mại và quốc phòng, đồng thời dự kiến mở rộng hoạt động ngoại giao sang nhiều nước khác. Brazil và Ấn Độ công bố kế hoạch tăng 70% kim ngạch thương mại song phương, lên mức 20 tỷ USD.

Một tàu chở hàng hóa vận hành bởi doanh nghiệp Hàn Quốc đang trong hành trình thương mại quốc tế. Ảnh: Yonhap.
Indonesia thông báo đang tiến gần tới một hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu, trong đó hầu hết các dòng thuế giữa hai bên sẽ được đưa về mức 0%.
Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định khi các nước thấy khó đáp ứng yêu cầu từ Washington, họ sẽ ngày càng ưu tiên hợp tác với các đối tác khác.
Trước đây, từng có các tiền lệ cho thấy sự điều chỉnh này. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Trung Quốc đáp trả thuế quan bằng cách giảm mua đậu nành từ Mỹ. Brazil nhanh chóng lấp đầy khoảng trống và trở thành nhà cung cấp chính cho quốc gia này, khiến nhiều nông dân Mỹ không có nơi tiêu thụ sản phẩm.
Đọc thêm: Sóng ngầm tiền số: khi giới crypto lấn sân ngành ngân hàng Mỹ
Năm 2017, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc để phản đối việc Seoul cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Điều này gây ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch và tiêu dùng của Hàn Quốc. Sau đó, Hàn Quốc mở rộng hợp tác thương mại với Indonesia, Malaysia và các nước trong khu vực.
Dù nỗ lực đa dạng hóa đã được thúc đẩy, mức độ hội nhập trong khu vực vẫn còn hạn chế. Hàn Quốc từng từ chối tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định hình thành sau khi các cuộc đàm phán với Mỹ đổ vỡ năm 2016.
Byung-il Choi, cựu đàm phán thương mại và nhà kinh tế học Hàn Quốc, kêu gọi chính phủ nước này xem xét gia nhập hiệp định mà Nhật Bản đã ký kết. Ông nhận định thái độ từ Washington có thể thúc đẩy thay đổi, và chính phủ mới tại Seoul đã thể hiện sự cởi mở với Tokyo hơn kỳ vọng trong thời gian tranh cử.
Để thúc đẩy thu nhập và tăng trưởng bền vững, theo một số chuyên gia, các nước đang phát triển trong khu vực vẫn cần tạo thêm nhiều doanh nghiệp nội địa. Việc chỉ đóng vai trò trung tâm sản xuất cho các tập đoàn lớn là chưa đủ.
Mặc dù nhiều công ty Nhật Bản sản xuất hơn một triệu xe mỗi năm tại Thái Lan và một tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc có cơ sở lớn ở Đông Nam Á, phần lớn các nền kinh tế này vẫn còn nghèo.
Kim Dongsoo, chuyên gia tại Viện Kinh tế và Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc, cho biết việc nội địa hóa công nghệ từ các khoản đầu tư nước ngoài là một thách thức đã được nhận diện, nhưng không phải chính phủ nào cũng có thể vượt qua.
Cuối cùng, dù nhiều nước cùng bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ, một phản ứng phối hợp vẫn chưa hình thành. Ngay cả nhóm BRICS, với sự kiện tổ chức tại Rio de Janeiro và kết nạp thành viên mới, cũng chưa có động thái rõ ràng về vấn đề này.
Alexander Hynd, Phó Giáo sư tại Viện Châu Á thuộc Đại học Melbourne, cho biết chưa thấy tín hiệu các quốc gia Đông Nam Á đang hợp tác để hình thành một lập trường thống nhất. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu biến động tiếp tục gia tăng.

Ông Trump gia tăng áp lực thuế, EU - Mexico đứng trước thử thách lớn
Kinhtedothi - Căng thẳng thương mại Mỹ và các đối tác lớn gia tăng sau loạt cảnh báo áp thuế từ ông Trump.

Podcast quốc tế: nghệ thuật đàm phán của Trump và với Trump
Kinhtedothi - Tập podcast tuần này phân tích chiến thuật đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ đòn "cân não" thuế quan đến việc lồng ghép yếu tố an ninh vào bàn thương mại, cùng phản ứng của các quốc gia trước lối tiếp cận đầy bất ngờ của ông.

Thị trường toàn cầu chao đảo khi ông Trump tung đòn thuế 35% với Canada
Kinhtedothi - Lo ngại thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Trump khiến chứng khoán phương Tây giảm mạnh.