Thị trường toàn cầu chao đảo khi ông Trump tung đòn thuế 35% với Canada
Kinhtedothi - Lo ngại thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Trump khiến chứng khoán phương Tây giảm mạnh.
Thị trường chứng khoán tương lai tại Mỹ và châu Âu đồng loạt giảm trong phiên sáng thứ Sáu (ngày 11/7) tại châu Á, sau khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch mở rộng thuế quan với Canada và Liên minh châu Âu. Động thái này đã ngay lập tức dấy lên lo ngại về làn sóng căng thẳng thương mại mới, làm gia tăng tâm lý thận trọng trên các sàn giao dịch lớn.
Hợp đồng tương lai của chỉ số Nasdaq và S&P 500 cùng giảm khoảng 0,4%, trong khi EUROSTOXX 50 cũng mất mức tương đương. Đà giảm phản ánh phản ứng trực tiếp của thị trường trước thông tin Mỹ sẽ áp mức thuế 35% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Canada kể từ ngày 1/8, theo nội dung một bức thư chính thức được Washington gửi tới Ottawa vào tối thứ Năm.
Ông Trump cũng cho biết thư tương tự sẽ được chuyển đến EU trong ngày thứ Sáu, báo hiệu căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể gia tăng nhanh chóng.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tiếp tục mạnh lên khi nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn. Đồng euro giảm 0,2%, xuống còn 1,1676 USD, trong khi đồng đô la Canada mất 0,3%, giao dịch ở mức 1,3695 USD. Sức mạnh của đồng USD phản ánh kỳ vọng chính sách cứng rắn của Washington sẽ được duy trì bất chấp những rủi ro với thương mại toàn cầu.

Thị trường chứng khoán tương lai tại Mỹ và châu Âu đồng loạt giảm trong phiên sáng thứ Sáu (ngày 11/7) tại châu Á. Ảnh: Xinhua
Ông Trump cũng thông báo sẽ áp dụng mức thuế quan chung 15% hoặc 20% đối với phần lớn đối tác thương mại của Mỹ, tăng từ mức cơ sở 10% hiện tại. Đầu tuần, ông đã dời hạn chót áp thuế từ ngày 9/7 sang ngày 1/8 để tạo thêm thời gian đàm phán, nhưng đồng thời mở rộng danh sách quốc gia bị ảnh hưởng, bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng tác động từ mức thuế mới có thể không nghiêm trọng như lo ngại ban đầu.
Đọc thêm: Ông Trump dự kiến sử dụng quyền đặc biệt để viện trợ vũ khí cho Ukraine
Ông Joseph Capurso, Trưởng bộ phận kinh tế quốc tế tại Ngân hàng Thịnh vượng chung Úc, nhận định: “Mức thuế 35% với Canada có thể bị hạn chế trong thực tế vì phần lớn hàng hóa đã được miễn trừ theo Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA)”.
Tuy nhiên, ông cảnh báo bất kỳ xung đột thuế quan nào với EU sẽ là vấn đề lớn đối với thị trường tài chính toàn cầu.
Ông Capurso cảnh báo, nếu căng thẳng leo thang như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hồi tháng 4, thị trường toàn cầu sẽ đối mặt với bất ổn lan rộng.
Ở chiều ngược lại, thị trường Phố Wall vẫn duy trì được sắc xanh trong phiên hôm qua, với chỉ số chính đạt mức đóng cửa cao kỷ lục. Góp công lớn là cổ phiếu Nvidia, khi lần đầu tiên giá trị vốn hóa thị trường của công ty vượt mốc 4 nghìn tỷ USD.
Tại châu Á, diễn biến thị trường có sự phân hóa. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản tăng 0,5%, nâng tổng mức tăng trong tuần lên 0,7%.
Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số CSI300 tăng 0,5%, còn Hang Seng tại Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 1,3%, nhờ tâm lý tích cực về khả năng kích thích kinh tế và tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và du lịch.
Trái ngược, chỉ số Nikkei của Tokyo giảm 0,1% và dự kiến mất 0,6% trong tuần. Nguyên nhân chủ yếu là sự lao dốc gần 7% của cổ phiếu Fast Retailing, công ty sở hữu thương hiệu Uniqlo, sau khi cảnh báo về ảnh hưởng từ các chính sách thuế quan. Tại Ấn Độ, chỉ số Nifty 50 cũng giảm nhẹ 0,16%, cho thấy sự thận trọng lan rộng trên thị trường khu vực.
Một điểm sáng đáng chú ý là thị trường Singapore. Chỉ số chuẩn Straits Times tăng 0,45% lên 4.094 điểm, đánh dấu ngày tăng thứ năm liên tiếp và đạt mức kỷ lục mới. Dữ liệu từ LSEG cho thấy, tính đến 11 giờ 33 phút sáng giờ địa phương, cổ phiếu Singapore tăng 0,51% lên 4.096 điểm, phản ánh niềm tin vào nền kinh tế nội địa và sức hút từ dòng vốn nước ngoài.
Các nhà đầu tư toàn cầu đang chờ đợi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các tập đoàn Mỹ, bắt đầu từ tuần tới. JPMorgan Chase dự kiến công bố báo cáo vào thứ Ba (ngày 15/7), mở đầu cho chuỗi công bố kết quả sẽ cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về tác động thực tế của các chính sách thuế thương mại.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ 1 điểm cơ bản, lên 4,3577%, sau khi dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ bất ngờ giảm trong tuần trước. Diễn biến này củng cố niềm tin vào sức khỏe thị trường lao động và khả năng duy trì chính sách tiền tệ hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang.
Ở thị trường hàng hóa, giá dầu phục hồi nhẹ sau khi giảm hơn 2% trong phiên trước. Dầu Brent giao sau tăng 0,6% lên 69,06 USD mỗi thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,7% lên 67,05 USD. Giá vàng giao ngay cũng tăng 0,2%, đạt 3.329 USD mỗi ounce, phản ánh nhu cầu phòng vệ trong giai đoạn bất ổn.

Tuyên bố cứng rắn mới của ông Trump về thuế quan
Kinhtedothi - Những tuyên bố cứng rắn hơn về đòn thuế quan được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sau khi các nhà giao dịch ban đầu có vẻ phớt lờ các lá thư yêu cầu áp thuế ông đưa ra ngày 7/7.

Ông Trump bất ngờ đảo chiều, cam kết viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine
Kinhtedothi - Những chuyển biến phức tạp trên chiến trường Ukraine và áp lực từ thực địa đã khiến ông Trump thay đổi lập trường.

Ông Trump thừa nhận Nga ứng phó hiệu quả với lệnh trừng phạt của phương Tây
Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin là “một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp” khi đã hạn chế tối đa áp lực từ các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga.