Đằng sau những tuyên bố thuế quan của Tổng thống Mỹ
Vài ngày qua, ông Trump đã gửi thư cho hàng chục quốc gia đối tác, thông báo về mức thuế đối ứng dao động từ 25 - 50%, gọi đây là "cảnh báo cuối cùng". Đồng thời, ông lùi thời hạn áp dụng từ 9/7 đến 1/8, mốc thời gian ông tuyên bố "sẽ không gia hạn".
Cá nhân hóa
Trong diễn biến mới nhất, ngày 9/7, ông Donald Trump đã gửi thêm một loạt thư tới 7 quốc gia, bao gồm Algeria, Brunei, Iraq, Libya, Moldova, Philippines và Sri Lanka. Mức thuế quan trong các lá thư dao động từ 25 - 30% và dự kiến được áp dụng từ ngày 1/8.
Trước khi gửi bản chính thức, ông Trump thường chia sẻ nội dung các bức thư này trên mạng xã hội. Tuy nhiên, những bức thư không phải là kết quả của các cuộc đàm phán song phương, mà phản ánh quyết định áp thuế đơn phương từ phía Mỹ, dấu hiệu cho thấy các cuộc thương lượng kín đã không mang lại kết quả như kỳ vọng từ cả hai phía.
Theo William Reinsch, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, hiện là cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), việc Mỹ gửi thư kèm trì hoãn hiệu lực thuế cho thấy một số quốc gia đã không chịu nhượng bộ trong thời hạn 90 ngày. “Họ không đưa ra điều ông Trump muốn, vì thế ông ấy lại tung thêm một lời đe dọa khác” - ông Reinsch nhận định.
Khác với cách tiếp cận ngoại giao truyền thống vốn kín đáo và trang trọng, ông Trump chọn phương án cá nhân hóa và công khai: gửi thư trực tiếp tới từng lãnh đạo và đăng tải công khai. Ông mô tả đây là “cách tốt hơn” và “đơn giản hơn” so với đàm phán.
Các tàu container cập cảng Oakland vào ngày 10/3/2025, tại thành phố Oakland, bang California. Các mức thuế gần đây có thể ảnh hưởng đến lưu lượng vận chuyển tại cảng này. Ảnh: Aric Crabb/Bay Area News Group
“Cách này tạo ra sức ép mạnh hơn. Chúng tôi gửi cho họ một bức thư. Các bạn đã đọc rồi đấy. Tôi nghĩ nó được viết khá hay. Và nội dung chính chỉ xoay quanh một vài con số: các bạn sẽ phải trả 25%, 35%. Có những mức là 60%, thậm chí 70%” - ông Trump tuyên bố.
Với những “tối hậu thư” như vậy, ông Stephen Miran - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng bày tỏ thái độ lạc quan rằng nhiều thỏa thuận có thể được hoàn tất trong tuần này, miễn là các đối tác chấp nhận đưa ra những nhượng bộ mà ông Trump cho là thỏa đáng.
Mặt khác, một số chuyên gia cảnh báo rằng thời gian ba tuần trước khi các mức thuế trong thư chính thức có hiệu lực là quá ngắn để đạt được bất kỳ đột phá thực chất nào. Theo Josh Lipsky, Giám đốc Chương trình Kinh tế Quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương: “Đây là dấu hiệu cho thấy ông Trump thực sự nghiêm túc với hầu hết các mức thuế này, chứ không chỉ đơn thuần là một đòn mặc cả”.
Không loại trừ đồng minh
Trước “cơn mưa” thư thuế này, các quốc gia nhận thư có tâm lý đan xen giữa hy vọng và hoang mang. Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai đều có các thỏa thuận an ninh rộng rãi với Mỹ từ nhiều thập kỷ trước, là hai quốc gia đầu tiên nhận được các thư này. "Nội dung hoàn toàn không thể chấp nhận được" - Itsunori Onodera, Giám đốc chính sách của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản, cho biết trong một cuộc họp của đảng về đàm phán thuế quan vào ngày 8/7. "Việc thông báo cho một đồng minh quan trọng chỉ bằng một bức thư là cực kỳ thiếu tôn trọng và tôi cảm thấy vô cùng phẫn nộ".
Các cuộc đàm phán với cả hai quốc gia diễn ra chậm hơn kỳ vọng của các quan chức Mỹ, một phần là do những hạn chế chính trị trong nước ở Tokyo và Seoul. Cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản vào ngày 20/7 có thể đe dọa vị thế thủ tướng của ông Ishiba, hạn chế khả năng của ông trong việc đi đến các thỏa thuận. Ông Ishiba cho biết chính phủ sẽ tiếp tục đàm phán với chính quyền ông Trump để tìm ra giải pháp nhưng nói thêm rằng vẫn còn những điểm bất đồng giữa các nhóm đàm phán.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, nơi đang diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống vào tháng 4 và tháng 5, khi các cuộc đàm phán thương mại bắt đầu, một chính quyền mới đang dần ổn định. Việc gia hạn 3 tuần là một "sự nhẹ nhõm" đối với Tổng thống Lee Jae Myung, vốn thừa nhận vào tuần trước rằng sẽ "khó" để Seoul đạt được một giải pháp trước thời hạn ban đầu.
Tân Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Wi Sung-lac, đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 7/7 để thảo luận về thuế quan và khả năng hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn gặp gỡ, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết vào ngày 8/7. "Các cuộc đàm phán đang tiến tới một giai đoạn rất quan trọng" - Wi trao đổi với báo giới khi đến Washington. "Mỹ đang cố gắng đưa ra phán đoán của riêng họ và chúng tôi cũng phải phản ứng với điều đó, cũng như đưa ra quan điểm riêng".
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo, người đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer vào cuối tuần trước, khẳng định với báo giới rằng hai bên đang tăng cường thảo luận về kinh tế và an ninh.
Các nhà phân tích cho biết thực tế là ông Trump đã nhắm mục tiêu vào các ngành công nghiệp quan trọng ở cả hai quốc gia - bao gồm ô tô, thép và nhôm - đã khiến việc đưa ra những nhượng bộ lớn trở nên khó khăn hơn trong thời điểm này. Tokuko Shironitta, Giám đốc quốc gia Nhật Bản tại hãng tư vấn Asia Group cho biết các cuộc đàm phán về thuế quan là các thỏa thuận kinh tế nhưng có thể có tác động lớn hơn đến sự ổn định của liên minh. “Đây cũng là vấn đề về lòng tin, và toàn bộ quá trình đàm phán này được cho là quá trình xây dựng lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau”, chuyên gia này lưu ý.
Định hình lại nền kinh tế Mỹ
Ông Trump ngày 8/7 cho biết sẽ áp dụng mức thuế 50% đối với hàng nhập khẩu đồng, gấp đôi mức ông đã thả nổi trước đó đối với mặt hàng có giá trị này, đồng thời sẽ sớm công bố mức thuế "ở mức rất cao" đối với dược phẩm. Đồng là kim loại được tiêu thụ nhiều thứ 3 trên thế giới, sau sắt và nhôm. Mỹ hiện đang nhập khẩu gần một nửa lượng đồng sử dụng, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất. Các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi thuế lên đồng là Chile, Canada và Mexico.
Vào cuối tháng 2, ông Trump ra lệnh điều tra về khả năng áp thuế mới với đồng nhập khẩu, liên quan đến an ninh quốc gia. Các chuyên gia cho rằng mục tiêu của Tổng thống là đưa sản xuất đồng quay trở lại Mỹ, đồng thời lưu ý rằng động thái của ông Trump sẽ đưa thuế đồng lên ngang bằng với các mức thuế nhập khẩu thép và nhôm, đã tăng lên 50% hồi đầu tháng 6.
Ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo nhận định mức thuế 50% sẽ giáng một đòn mạnh với các DN Mỹ sử dụng đồng, bởi quốc gia này cần nhiều năm nữa mới có thể tự đáp ứng nhu cầu trong nước.
Những tuyên bố này là dấu hiệu mới nhất cho thấy tổng thống sẵn sàng sử dụng thuế quan theo từng lĩnh vực để tạo đòn bẩy đối với các đối tác thương mại và cố gắng định hình lại nền kinh tế Mỹ.
Mặt khác, phần lớn các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cảnh báo tại cuộc họp tháng 6 rằng các đòn thuế quan của ông Trump sẽ có "tác động dai dẳng" đến lạm phát trong bối cảnh bất đồng ngày càng gia tăng về thời điểm cắt giảm lãi suất. Biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang vào ngày 17 - 18/6 cho thấy mặc dù một số nhà quan sát tin rằng các khoản thuế sẽ gây ra một đợt tăng giá nhất thời, nhưng hầu hết lại lo ngại hơn về tác động dài hạn.

Tin vui đàm phán thuế Mỹ - Việt: Cổ phiếu nào hưởng lợi?
Kinhtedothi - Trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 2/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho hàng hóa Mỹ. Đồng thời khẳng định sẽ cắt giảm đáng kể các biện pháp thuế đối ứng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển ổn định và bền vững.

Ngân hàng Nhật trong vòng xoáy lạm phát và áp lực thuế Mỹ
Kinhtedothi - Lạm phát cơ bản của Nhật Bản trong tháng 4 tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn hai năm, cho thấy áp lực giá cả đang gia tăng và có thể khiến Ngân hàng Nhật Bản cân nhắc nâng lãi suất vào cuối năm.

Kinh tế Nhật Bản suy giảm mạnh trong bối cảnh chịu áp lực từ thuế Mỹ
Kinhtedothi - Nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với nhiều thách thức như xuất khẩu suy giảm, nhập khẩu gia tăng, lạm phát thực phẩm vượt kiểm soát và tiêu dùng hộ gia đình trì trệ.