Kinhtedothi - Ủy ban châu Âu (EC) ngày 11/3 đã nhất trí dành cho Ukraine khoản ưu đãi thương mại thông qua giảm thuế nhập khẩu trị giá 500 triệu euro (700 triệu USD) mỗi năm.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso nhấn mạnh đây là một biện pháp "cụ thể, hữu hình" nhằm giúp đỡ Ukraine, ngoài khoản trợ giúp 11 tỷ euro dưới hình thức cho vay mà EC công bố hồi tuần trước.
Tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường về Ukraine diễn ra hôm 6/3 tại Brussels, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẵn sàng ký kết các điều khoản về chính trị trong thỏa thuận liên kết với Ukraine, trước khi diễn ra bầu cử châu Âu và bầu cử tổng thống Ukraine ngày 25/5 tới.
Đồng thời, họ đề nghị xem xét sớm một số phần trong thỏa thuận thương mại - đặc biệt là các điều khoản cắt giảm thuế - mà EU dự kiến ký kết với Ukraine vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, biện pháp vừa được nhất trí ngày 11/3 còn phải được các quốc gia thành viên cũng như EP thông qua. Chủ tịch EC Barroso kêu gọi các bên đưa ra quyết định nhanh chóng để biện pháp này có thể có hiệu lực ngay từ tháng Sáu tới và được kéo dài cho tới ngày 1/11 năm nay.
Ban lãnh đạo tạm quyền của Ukraine hy vọng sẽ ký kết các điều khoản chính trị trong thỏa thuận liên kết với EU tại cuộc họp các ngoại trưởng EU diễn ra tại Brussels vào ngày 17/3 hoặc tại Hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân của EU được tổ chức ngày 21/3.
Liên quan đến vấn đề viện trợ cho Ukraine, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố việc Mỹ viện trợ tài chính cho quốc gia Đông Âu này là bất hợp pháp và vượt ra ngoài các tiêu chuẩn pháp lý của Mỹ.
Moskva cho rằng Washington sẽ tài trợ cho một chính quyền được thành lập một cách vi hiến. Tuyên bố này đã một lần nữa khẳng định lại lời của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, người đã tiến hành cuộc họp báo lần thứ hai tại trung tâm triển lãm VertolExpo ở thành phố Rostov bên sông Đông của Nga ngày 10/3.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo Washington về hậu quả của việc "dung túng vô điều kiện các phần tử cực đoan" ở Ukraine.
Cùng ngày, Ukraine đã đệ trình lên các quốc gia bảo trợ của Thỏa thuận Budapest đơn thỉnh cầu trợ giúp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước này. Trong đơn thỉnh cầu được Quốc hội Ukraine thông qua, Kiev đã kêu gọi Mỹ và Anh áp dụng mọi biện pháp ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự có thể để duy trì độc lập và chủ quyền của Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso. (Ảnh: AFP)
|