EU "hé cửa" cho thủy sản nhập khẩu từ Pakistan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - EU xem xét đề nghị của Pakistan về việc thông báo lại danh sách các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của nước này không được vào thị trường EU, vì hiện các nhà sản xuất Pakistan đã tuân thủ nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn do EU đặt ra.

Theo các nguồn thạo tin, Pakistan và Liên minh châu Âu (EU) tập trung giải quyết những vấn đề then chốt còn tồn đọng giữa hai nước tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế chung (JEC), tổ chức tại Brussels, Bỉ, vào ngày 6-7/2.

EU cũng xem xét đề nghị của Pakistan về việc thông báo lại danh sách các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của nước này không được vào thị trường EU, vì hiện các nhà sản xuất Pakistan đã tuân thủ nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn do EU đặt ra.

Một quan chức Pakistan tham dự cuộc họp cho biết ban đầu EU sẽ chỉ cho phép hai đơn vị chế biến thủy sản xuất khẩu vào thị trường này.

Năm 2007, phái đoàn của EU đã phát hiện một số điểm không đạt tiêu chuẩn cả về bến bãi lẫn cơ sở chế biến và đã báo cáo lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và gia súc gia cầm, bày tỏ lo ngại rằng các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Pakistan không đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU, và đã quyết định cấm nhập các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của nước này.

EU đã cấm nhập tất cả các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Pakistan từ tháng 4/2007 và cho đến nay lệnh cấm này vẫn có hiệu lực. Trong số 28 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu của Pakistan, 11 cơ sở đã từng xuất khẩu sang EU, nhưng hiện nay không một cơ sở nào nằm trong danh sách có hàng xuất khẩu vào khối 27 nước này.

Ngày 1/2 vừa qua, Ủy ban Thương mại hàng hóa (CTG) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhất trí thông qua một nghị quyết chưa từng có để EU nhập 75 mặt hàng miễn thuế của Pakistan, trong đó có cả hàng dệt may, đồ da và ethanol.

Về lĩnh vực thương mại, hai bên thảo luận về quy chế GSP Plus của Pakistan, bắt đầu thực hiện từ năm 2014, cũng như sự tiến triển trong lĩnh vực thương mại.

Phía Pakistan thông báo vắn tắt với phía EU về những tiến triển gần đây trong thương mại song phương với các nước trong khu vực, đặc biệt với Ấn Độ, Afghanistan và Trung Quốc cũng như những tiến triển khác liên quan đến kinh tế.

Về quan hệ song phương, phái đoàn Pakistan cũng thảo luận với EU về những tiến bộ đã đạt được trong quan hệ song phương cũng như sự hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác.

Một vấn đề gai góc khác dự kiến được đưa ra thảo luận là khả năng EU ban hành lệnh cấm đối với hãng hàng không quốc gia Pakistan International Airlines (PIA) vì vi phạm các tiêu chuẩn hàng không của phương Tây, trong khi đó phía Pakistan thông báo vắn tắt với các đối tác châu Âu về vấn đề môi trường.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần