Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU mạnh tay giải quyết khủng hoảng di cư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh chế độ tái phân bổ 160.000 người di cư thiếu hiệu quả trong suốt 6 tháng qua, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm những phương thức mạnh tay hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tồi tệ này.

Cơ chế phân bổ này đã có hiệu lực trong suốt 6 tháng qua, mới chỉ có 937 trong tổng số 160.000 người di cư mới được tái định cư

Nhằm siết chặt vòng kim cô, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4/5 đưa ra kế hoạch, các quốc gia châu Âu từ chối người di cư tị nạn sẽ buộc phải trả tiền cho các quốc gia tiếp nhận họ. Ý tưởng là một phần của dự luật cải cách chính sách di cư châu Âu, nhằm tạo đột phá trong bối cảnh hơn 1 triệu người di cư và tị nạn cập bến Lục địa già năm ngoái. EC cũng khẳng định, sẽ giảm thiểu những tác dụng tiêu cực từ chính sách người di cư bằng cách tái phân bổ người di cư theo hạn ngạch tùy theo sự phát triển và quy mô quốc gia. Như vậy, bộ luật Dublin với nội dung rằng quốc gia nào được người di cư tiếp cận, sẽ phải có trách nhiệm hộ trợ họ có nguy cơ đổ vỡ, giảm gánh nặng cho những quốc gia “đầu sóng ngọn gió” như Hy Lạp và Italia, vốn là cửa ngõ đón người di cư vào châu Âu.
Một khu tị nạn gần biên giới Hy Lạp.
Một khu tị nạn gần biên giới Hy Lạp.
Các quốc gia từ chối tiếp nhận người di cư sẽ phải trả các nước châu Âu còn lại một khoản tiền. Dù số tiền này chưa được thống nhất, dự thảo cho rằng con số có thể lên tới 250.000 bảng Anh cho mỗi đơn xin tiếp nhận tị nạn. Ý tưởng này được Thủ tướng Italia – Matteo Renzi đồng tình. Ông cũng từng tranh luận rằng, các quốc gia Trung và Tây Âu từ chối phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, không có quyền được tiếp cận các nguồn vốn của EU.

Hungary và Slovakia từ chối tham gia vào chiến dịch phân bổ 160.000 người di cư tới từ Hy Lạp và Italia tới các nước châu Âu, tuy nhiên hiện chưa có luật lệ nào quy định đánh thuế, hay áp đặt các hình phạt về tài chính lên hai đất nước này. Dù tòa án châu Âu đang tìm cách xét mức phạt cho các quốc gia lách luật, việc đưa ra mức phạt cho các nước không tiếp nhận người di cư vẫn có thể làm “dậy sóng” dư luận.

Đồng thời, đại diện EC ngày 4/5 cũng phát đi tín hiệu sẽ thông qua việc dỡ bỏ thị thực cho 79 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ. Cho phép người dân Thổ Nhĩ Kỳ tự do đi lại trong khu vực Schengen của EU là một phần thiết yếu trong thỏa thuận EU với Ankara nhằm giảm dòng người di cư.

Trước đó ngày 18/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo, EU phải thực hiện đúng các cam kết miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ tháng 6 tới, nếu không nước này sẽ hủy bỏ thỏa thuận với Liên minh châu Âu về vấn đề nhập cư. Trong khi Chủ tịch EC thẳng thắn bác bỏ yêu cầu này khi tuyên bố, miễn thị thực là vấn đề về tiêu chuẩn và những tiêu chuẩn này không thể được hạ thấp trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ hay siết chặt hình phạt cho những quốc gia bất hợp tác, đều là những động thái gây tranh cãi trong nội bộ EU. Nhưng để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng tồi tệ, các lãnh đạo châu Âu vẫn kiên quyết mạnh tay và chịu rủi ro hơn.