Ngày 24/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã lên tiếng kêu gọi cơ quan này thảo luận khẩn cấp về phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) trước các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ có thể áp đặt với Nga.
Trong bản ghi chép được chuẩn bị cho phiên họp ngày 26/7 tới của EC mà báo Financial Times có được, ông Juncker nhấn mạnh Brussels cần phải sẵn sàng "hành động trong những ngày tới” nếu như Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga mà “không tính đến những quan ngại của EU."
Theo bản ghi chép trên, các biện pháp mà EU có thể sẽ đưa ra bao gồm việc yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump đảm bảo rằng những lệnh trừng phạt mới, nếu được áp đặt, sẽ không làm ảnh hưởng tới các lợi ích của EU.
Bên cạnh đó, EU có thể sử dụng luật pháp châu Âu để khiến các lệnh trừng phạt của Mỹ “không được chấp nhận hoặc thực thi” trong EU, cũng như chuẩn bị một số biện pháp đáp trả phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Chủ tịch EC đặc biệt lo ngại về thực tế rằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc liên quan đến lĩnh vực năng lượng nhằm vào Nga có thể được sử dụng chống lại các công ty châu Âu liên quan tới sự phát triển hoặc hoạt động của các đường ống dẫn xuất khẩu năng lượng ở Nga hoặc tại châu Âu.
Trước đó, hôm 22/7, các nhà đàm phán của hai đảng ở cả Hạ viện và Thượng viện đã đạt thỏa thuận về một kế hoạch trừng phạt mới nhằm vào Nga. Gói trừng phạt có quy mô lớn này là một sự đáp trả đối với việc Nga bị cho là can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sự gây hấn quân sự của Moscow ở Ukraine và Syria .
Dự luật này cho rằng dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga là một mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của Ukraine và EU. Dự luật trừng phạt Nga đề xuất cung cấp cho các đồng minh của Mỹ các gói viện trợ tài chính để đối phó với mối ảnh hưởng được cho là từ phía Moscow và các cuộc tấn công mạng có thể bởi các hacker Nga.