Trong báo cáo mới nhất, Phòng Thương mại và Công nghiệp Dusseldorf ước tính các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga liên quan tới tình hình tại Ukraine từ năm 2014 đã khiến nền kinh tế của khối này thiệt hại 21 tỷ euro mỗi năm. Trong khi đó, nền kinh tế Đức chịu thiệt hại khoảng 5,45 tỷ euro/năm.
"Các biện pháp trừng phạt do EU áp đặt với Nga khiến liên minh này thiệt hại khoảng 21 tỷ euro/năm và khiến kinh tế Đức mất 5,45 tỷ euro mỗi năm” - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Dusseldorf Gregor Berghausen cho biết.
Ông Berghausen nhấn mạnh, nếu EU nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thì hoạt động thương mại của các bên sẽ tăng trưởng. Ngược lại, nếu tiếp tục áp đặt trừng phạt, kinh tế của cả EU và Nga sẽ càng thêm khó khăn và gây thiệt hại lớn về tài chính.
Theo ông Berghausen cơ quan này, chính sách trừng phạt chống lại Nga sẽ chỉ khiến tình hình kinh tế của tất cả các bên trở nên tồi tệ hơn, trong khi cả Nga và Đức đều có thể hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này.
Trong diễn biến mới nhất, tại hội nghị thượng đỉnh EU ngày 10/12, các nhà lãnh đạo khối này đã quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo người phát ngôn của EU Barend Leyts, các biện pháp trừng phạt này sẽ kéo dài đến giữa năm 2021 và nhằm vào toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế Nga như dầu mỏ, quốc phòng và ngân hàng.
Các lệnh trừng phạt này được áp đặt đối với Nga lần đầu tiên sau khi máy bay MH17 của hãng Malaysian Airlines bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine vào tháng 7/2014, khiến 298 người trên khoang thiệt mạng. Kể từ đó, các lệnh trừng phạt được gia hạn đều đặn 6 tháng/lần.
EU khẳng định chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi nào Thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ. Đây là thỏa thuận được Nga và Ukraine ký năm 2015 với mục tiêu chấm dứt xung đột và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho lực lượng phiến quân ở hai vùng Donetsk và Lugansk ở Ukraine./.