Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU thống nhất phương án đối phó với Nga

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 16/12 đã đồng ý rằng họ sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow - song song với Mỹ và Anh - nếu quân đội Nga "xâm lược Ukraine".

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel tại tòa nhà Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 16/12. Ảnh: Reuters 
Reuters đưa tin, các quốc gia Baltic, Trung và Đông Âu tin rằng bản thân EU cũng đang bị Nga "tấn công trên nhiều mặt trận", trong đó Lithuania viện dẫn nguy cơ có thể xảy ra các cuộc tấn công quân sự từ Belarus - một đồng minh thân cận của Nga.
"Bất kỳ hành động gây hấn quân sự nào nữa đối với Ukraine sẽ gây ra hậu quả to lớn và phải trả giá đắt, bao gồm các biện pháp hạn chế phối hợp với các đối tác" - các nhà lãnh đạo EU cho biết trong tuyên bố cuối cùng của cuộc họp thượng đỉnh hôm 16/12, đề cập đến các đồng minh Mỹ và Vương quốc Anh.
Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vào năm 2014 vì sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, với các biện pháp nhằm vào các lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và quốc phòng của Nga.
Mặc dù không có biện pháp trừng phạt nào được tranh luận tại Hội nghị thượng đỉnh, nhưng các nhà ngoại giao cho biết các biện pháp mới có thể bao gồm nhắm vào các nhà tài phiệt Nga, cấm các giao dịch của EU với các ngân hàng tư nhân của Nga và có thể cắt tất cả các ngân hàng Nga khỏi mạng SWIFT - vốn là huyết mạch của chuyển tiền quốc tế.
Các nhà lãnh đạo EU cho biết khối "khuyến khích các nỗ lực ngoại giao và ủng hộ định dạng Normandy trong việc đạt được việc thực hiện đầy đủ các Thỏa thuận Minsk", đề cập đến các thỏa thuận hòa bình 2014 - 2015 đã được thống nhất giữa Đức, Pháp, Ukraine và Nga.
Thông điệp từ Hội nghị thượng đỉnh của EU là một trong những cảnh báo trực tiếp nhất trong những tuần gần đây, khi Mỹ và các đồng minh NATO tìm cách ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào có thể xảy ra của Nga vào Ukraine. Nhiều đồng minh của NATO cũng là các nước thành viên EU.
Ukraine vẫn luôn là tâm điểm chính giữa Nga và phương Tây. Washington cho biết Nga đã tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới Ukraine, gọi đó là khả năng cho "một cuộc xâm lược". Moscow đã cực lực phản bác, cho biết Nga có quyền điều động quân đội xung quanh lãnh thổ của mình khi thấy phù hợp nhưng khẳng định rằng các cuộc điều động chỉ mang tính chất phòng thủ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 16/12 cho biết, Nga đang tăng cường hiện diện quân đội ở biên giới, nói rằng có "quân đội, xe tăng, pháo binh, đơn vị thiết giáp, máy bay không người lái, hệ thống tác chiến điện tử" sẵn sàng chiến đấu của Nga ở biên giới Ukraine.
Mọi biện pháp trừng phạt phối hợp của EU lúc này được cho có thể sẽ phụ thuộc vào Đức - quốc gia mà Thủ tướng trung tả mới Olaf Scholz đã có đường lối cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm Angela Merkel.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan quản lý năng lượng Đức hôm 16/12 đã trì hoãn việc cấp giấy chứng nhận cho đường ống dẫn khí Nord Stream 2, nói rằng quyết định sẽ không được đưa ra trong nửa đầu năm tới.
Đại diện của Nga tại EU Vladimir Chizhov đã lên tiếng cáo buộc sự trì hoãn của nhà chức trách Đức đối với Nord Stream 2 là "hành động chính trị".