Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 17/9 cho biết ông đã triệu tập cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 23/9 tới để bàn về cuộc khủng hoảng người di cư.
Đây sẽ là cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của EU lần thứ hai bàn về vấn đề người di cư trong vài tháng qua. Cuộc gặp lần này sẽ giải quyết bế tắc hiện nay liên quan đến việc phân bổ 120.000 người di cư mới, nhằm chia sẻ gánh nặng cho Hy Lạp, Hungary và Italy.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Áo Werner Faymann cũng kêu gọi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh của EU sau khi các Bộ trưởng Nội vụ của khối không đạt được sự nhất trí về kế hoạch phân bổ người di cư theo hạn ngạch mà Uỷ ban châu Âu (EC) đưa ra.
Cũng liên quan đến vấn đề tiếp nhận người di cư, Chính phủ Đan Mạch ngày 17/9 cho biết nước này đã nhất trí tự nguyện tiếp nhận 1.000 người di cư trong số 120.000 người mà EC đang định phân bổ cho các nước thành viên EU. Đan Mạch, Anh và Ireland từ lâu đã đứng ngoài chính sách nhập cư chung của EU, do vậy việc các nước này tiếp nhận người di cư hoàn toàn mang tính tự nguyện. Hồi tuần trước, Anh cũng tuyên bố có thể tiếp nhận 20.000 người trong 5 năm tới.
Bộ trưởng Hội nhập của Đan Mạch Inger Stojberg cho biết chính phủ đã thông báo với các đảng phái trong Quốc hội về kế hoạch tiếp nhận hạn chế số người xin tị nạn, cụ thể là 1.000 người, để chia sẻ trách nhiệm với EU. Tuy nhiên, Chính phủ Đan Mạch vẫn chưa quyết định thời điểm bắt đầu tiếp nhận số người nói trên, đồng thời cho biết sẽ thảo luận vấn đề này tại Quốc hội vào tuần tới. Hiện Đảng Nhân dân Đan Mạch (DPP) có xu hướng chống người nhập cư cho biết sẽ phản đối quyết định trên. Tuy nhiên, Chính phủ Đan Mạch có thể tìm kiếm sự ủng hộ từ các đảng khác trong Quốc hội để thông qua kế hoạch.
Trước đó, ngày 12/9, tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, khoảng 30.000 người đã tham gia cuộc tuần hành ủng hộ việc tiếp nhận những người di cư đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại châu Âu.
Hungary đã xây dựng hàng rào đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia nhằm ngăn chặn người tị nạn. Ảnh AFP
|