Eurozone “cần” thêm cú sốc tài chính để hành động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's(S&P) ngày 12/12 tuyên bố thời gian để khối đồng tiền chung (Eurozone) giải quyết các vấn đề nợ nần đã "sắp hết", và có lẽ Eurozone cần một "cú sốc tài chính" nữa để thúc giục khối này sớm hành động.

Gia tăng sức ép
 

Nhà kinh tế chủ chốt Jean-Michael Six của S&P, người đã làm chao đảo các thị trường tài chính trong tuần trước khi thông báo đưa 15 nước Eurozone vào danh sách những nước có tiềm năng bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, nói rằng, hiệp ước tài chính đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Bỉ hồi tuần trước là bước tiến quan trọng, nhưng chưa đủ. Nhận định đã nhận được sự đồng tình của hai hãng xếp hạng tín nhiệm khác là Moody's Investors Service và Fitch.

Cùng ngày, Cơ quan đánh giá tín dụng Moody's cảnh báo có thể hạ mức xếp hạng tín nhiệm một số ngân hàng của Tây Ban Nha do hoạt động yếu kém. Theo Moody's, dưới sức ép tăng dự trữ vốn và tính thanh khoản trong bối cảnh nền kinh tế đang trì trệ, các ngân hàng Tây Ban Nha khó có khả năng làm ăn có lãi

 Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu bắt đầu từ Hy Lạp, sau đó lan dần sang Bồ Đào Nha, Ailen, Italia, Tây Ban Nha và hiện đang đe dọa Pháp, thậm chí cả nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức. Lời cảnh báo hạ mức xếp hạng tín nhiệm từ S&P cũng nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng các nước Eurozone đang đối mặt với nguy cơ lớn sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới và đối mặt với tình trạng khan hiếm tín dụng. S&P sẽ không đưa ra quyết định về xếp hạng tín nhiệm hoàn toàn dựa trên kết quả hội nghị thượng đỉnh EU tuần qua. Theo ông Six, EU sẽ còn phải tiến hành nhiều hội nghị như thế trước khi giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Một EU, hai tốc độ

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thừa nhận trong bài trả lời phỏng vấn của nhật báo Le Monde của Pháp ngày 12/12 rằng, hiện đang tồn tại một Liên minh châu Âu (EU), nhưng dưới dạng “hai tốc độ”. Theo ông Sarkozy, hiện châu Âu đang bị chia rẽ làm hai. Một châu Âu muốn có sự đoàn kết hơn nữa giữa các thành viên cũng như có nhiều điều chỉnh hơn. Trong khi châu Âu còn lại chỉ muốn bám chặt vào logic của thị trường.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 9/12 vừa qua, ông Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không thuyết phục được Thủ tướng Anh David Cameron ký thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên EU. Ông Sarkozy cho rằng nỗ lực của Anh nhằm để trung tâm tài chính London đứng ngoài quy tắc của EU sẽ thất bại. Ông cũng khẳng định khủng hoảng nợ châu Âu xuất phát một phần từ sự vi phạm quy tắc tài chính và châu Âu cần có nhiều điều chỉnh hơn.

Mặc dù vậy, trả lời câu hỏi liệu Anh vẫn có khả năng tồn tại trong thị trường EU hay không, ông Sarkozy khẳng định: "Chúng tôi cần Anh".

Đề cập đến kết quả Hội nghị thượng đỉnh EU, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế EU, ông Olli Rehn đã bày tỏ "lấy làm tiếc" về quyết định của Anh khi phủ quyết hiệp ước mới nhằm tăng cường hội nhập tài chính và kinh tế của EU.