Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Eurozone đối mặt đợt "ngủ đông" mới vì làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu Âu hiện đang phải vật lộn với làn sóng nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 2 có thể một lần nữa gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Eurozone.

Các nhà kinh tế từng dự đoán khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm nay, song hiện họ đang hoài nghi với triển vọng này khi nhiều nước trong khu vực đang siết các biện pháp hạn chế mạnh mẽ hơn để ngăn chặn đợt tái bùng phát Covid-19.
Châu Âu hiện đang phải vật lộn với làn sóng nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 2 có thể một lần nữa gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Eurozone. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết, tính đến ngày 22/9, châu Âu ghi nhận tổng cộng 2,9 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó Tây Ban Nha và Pháp hiện đang chứng kiến​​ số người mắc mới hàng ngày tăng trên ngưỡng 10.000 người.
 Eurozone đối mặt suy thoái kép vì Covid-19 tái bùng phát.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của Eurozone trong tháng 9 bị ngắt quãng do làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2. Theo kết quả sơ bộ từ cuộc khảo sát mới đây, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone chỉ đạt 50,1 điểm, chạm mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Trong khi đó, chỉ số PMI ngành dịch vụ của Eurozone trong tháng 9 này đang trong tình trạng tồi tệ khi hoạt động của ngành dịch vụ suy giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua mặc dù hoạt động sản xuất của Eurozone vẫn ở trong vùng tích cực.
“Nền kinh tế hai tốc độ là điều thấy rõ, các nhà máy tại Eurozone ghi nhận tăng trưởng nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, đặc biệt nhu cầu của các thị trường xuất khẩu cùng với ngành bán lẻ tái hoạt động tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ngành dịch vụ của Eurozone vẫn chìm trong suy thoái do các DN cung ứng dịch vụ trực tiếp tới khách hàng vẫn bị ảnh hưởng do lo ngại ca nhiễm mới Covid-19 đang tăng mạnh trở lại” - ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty phân tích dữ liệu thị trường IHS Markit (Anh) nhận xét.
Theo chuyên gia Williamson, số liệu công bố chính thức sắp tới có thể cho thấy hoạt động kinh tế tổng thể của Eurozone đã chậm lại hơn, điều này dẫn đến "nguy cơ cao về suy giảm kép" ở khu vực này. Chuyên gia Williamson cho rằng mối quan tâm chính hiện nay là liệu những số liệu sụt giảm của tháng 9 có kéo sang quý IV/2020 và khiến suy thoái quay trở lại sau đợt phục hồi ngắn đáng thất vọng trong quý III không”.
Các nhà kinh tế nhận định rằng kinh tế Eurozone hiện đang trên đà phục hồi mạnh mẽ do các lệnh phong tỏa và biện pháp giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng và các DN hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và một số nước khác thuộc Eurozone vẫn đang phải đối mặt với làn sóng dịch bùng phát mới, gia tăng khả năng gia hạn các biện pháp hạn chế và giãn cách.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 21/9 thông báo ông sẽ tái áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo đó, từ ngày thứ Năm tuần này, các quán rượu, hộp đêm và nhà hàng trên phạm vi toàn quốc sẽ phải đóng cửa lúc 22 giờ hàng ngày.
Cathal Kennedy, chuyên gia nghiên cứu kinh tế châu Âu của RBC nói rằng, các biện pháp hạn chế mới chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ, điều này sẽ dẫn đến hoạt động kinh doanh chậm lại trong những tháng cuối năm.
Những số liệu sơ bộ trên khiến giới phân tích đưa ra những nhận định hết sức dè dặt về sức khỏe kinh tế của Eurozone trong những quý còn lại của năm nay sau khi khu vực này chứng kiến mức giảm kỷ lục gần 12% trong quý II.