EVFTA chính thức có hiệu lực: Doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 đang mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, đó cũng là chặng đua đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng DN Việt cần khẩn trương cải thiện nội lực để chủ động tiếp cận nguồn lực, tận dụng ưu đãi từ sân chơi lớn này.

May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Chiến Thắng, khu công nghiệp Lai Xá. Ảnh: Hải Linh
Đòn bẩy tăng trưởng xuất khẩu
Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được đàm phán tới nay. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản đồ gỗ... là rất lớn. Đặc biệt, đối với các mặt hàng trước đây Việt Nam chưa thể xuất khẩu do hàng rào thuế quan còn cao, nay đã có thể tiếp cận được thị trường EU với giá cả cạnh tranh hơn.
Nghiên cứu của Bộ Công Thương cho thấy, EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm được 16 tỷ USD ngay trong 1 - 2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA. Tới năm 2028 sẽ tăng thêm tới 75 - 76 tỷ USD. Đối với ngành dệt may, EVFTA có thể giúp xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỷ USD vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào năm 2028. Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông sản sang EU: Gạo khoảng 65% vào năm 2025; đường 8%; thịt lợn 4%; lâm sản 3%; thịt gia súc gia cầm 4%. Nhóm ngành dịch vụ: Vận tải thủy dự kiến tăng 100%, vận tải hàng không 141%, tài chính và bảo hiểm 21%, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác là 80%...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, lợi ích lớn mà EVFTA đem lại là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và cơ cấu kinh tế với EU có tính bổ trợ chứ không cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, xu thế bảo hộ mậu dịch đang hình thành rõ nét thì việc chủ động hội nhập, hình thành chính sách, vượt qua trở ngại, thậm chí liên quan đến hoạt động tranh chấp thương mại như bán phá giá... là bài học quý báu cần thiết đối với các DN.
Phải chủ động thích ứng
Thực tế cho thấy, để được hưởng mức thuế ưu đãi, hàng hóa từ Việt Nam phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn rất cao. Đây là một thử thách rất khó, trong bối cảnh Việt Nam đang là nền kinh tế gia công. Đơn cử như, ngành dệt may phụ thuộc 50% nguyên, phụ liệu nhập khẩu, ngành chăn nuôi phải nhập khẩu con giống, thức ăn, thuốc men từ nhiều nước...
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, phần lớn DN Việt Nam còn khá thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ. Tình trạng đánh cắp bản quyền, nhãn hiệu, logo khá phổ biến, trong khi đây là yêu cầu đặt ra hàng đầu của EU đối với bất kỳ hàng hóa tham gia vào thị trường này. Các quy chuẩn sử dụng lao động cũng là một yếu điểm ở Việt Nam, chưa có thói quen lao động đúng giờ, môi trường làm việc, chế độ nghỉ ngơi, quyền lợi “mềm” của người lao động chưa được chú ý…
Từ thực tế này cho thấy, trong bối cảnh EVFTA thực thi, DN không chủ động thích ứng sẽ khó tồn tại. Do đó, mỗi DN phải tự thân vận động, nâng cao trình độ quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới sản xuất minh bạch, đổi mới công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định...Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, điều đáng lo ngại là năng lực của DN Việt vẫn còn nhiều hạn chế, điều kiện tiếp cận các phương thức hỗ trợ về tài chính, về công nghệ so với DN nước ngoài cũng khó khăn hơn. Chính vì vậy, cộng đồng DN mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thêm về môi trường pháp lý, đầy đủ và minh bạch nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bình đẳng cho các DN.
Các nước EU có hệ thống tiêu chuẩn khá cao, trong khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển thì việc đáp ứng các yêu cầu của đối tác trong một số ngành hàng thời gian tới sẽ gặp khó khăn. Mặt khác, nội dung cam kết về điều kiện áp dụng, lộ trình cắt giảm các loại thuế quan trong EVFTA là rất đa dạng và khác nhau đối với từng ngành hàng. Vì vậy, rất khó để có giải pháp chung cho tất cả các ngành hàng mà mỗi DN phải chủ động tìm hiểu, tra cứu và nghiên cứu những nội dung liên quan đến lĩnh vực mà mình đang kinh doanh để có phương án tận dụng hiệu quả.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập Quốc tế TP Hồ Chí Minh Phạm Bình Anh