Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 8, đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo cung cấp điện phục vụ kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân. Đặc biệt EVN đã đảm bảo tăng cường cấp điện cho các bệnh viện, cơ sở y tế và các khu vực cách ly tập trung phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Số liệu tháng 8 cho thấy phụ tải khu vực miền Bắc vẫn tăng trưởng rất cao do xuất hiện các đợt nắng nóng với công suất đỉnh đạt 21.782 MW (ngày 06/08), tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tiêu thụ điện tại khu vực miền Nam tiếp tục giảm mạnh do nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội: công suất tiêu thụ điện miền Nam giảm tới gần 30% (tương ứng 4.000 – 5.000MW) so với trước khi giãn cách xã hội.
Do đó, để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã duy trì thực hiện việc chỉ huy điều độ với yêu cầu phù hợp cơ cấu nguồn điện, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết... Các mệnh lệnh điều độ huy động nguồn điện trong hệ thống tiếp tục được thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, rõ ràng, thực hiện đồng đều và không phân biệt giữa các loại hình nguồn điện.
Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 8/2021 đạt 21,58 tỷ kWh (trung bình khoảng 696 triệu kWh/ngày), giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng đạt 173,22 tỷ kWh, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thủy điện đạt 46,50 tỷ kWh, chiếm 26,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Nhiệt điện than đạt 85,23 tỷ kWh, chiếm 49,2% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; Tua bin khí đạt 19,79 tỷ kWh, chiếm 11,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; Năng lượng tái tạo đạt 20,31 tỷ kWh (riêng điện mặt trời là 19,07 tỷ kWh) chiếm 11,7% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 2 triệu kWh; Điện nhập khẩu đạt 878 triệu kWh, chiếm 0,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Trong 8 tháng năm 2021, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 85,77 tỷ kWh, chiếm gần 50% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Trong đó, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện do EVN sở hữu 100% vốn (không tính EVNGENCO3 và các công ty cổ phần) đạt 50,94 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 29,41%.
Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 8/2021 ước đạt 19,2 tỷ kWh, giảm 2,7% so với tháng 8/2020. Luỹ kế 8 tháng năm 2021 đạt 151,49 tỷ kWh, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng điện truyền tải tháng 8/2021 đạt 16,90 tỷ kWh, trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng Bắc - Trung và Trung - Nam. Lũy kế 8 tháng năm 2021, sản lượng điện truyền tải đạt 137,72 tỷ kWh, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước.
EVN cũng thông tin, đến hết tháng 8 năm 2021, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 74,76%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt toàn EVN đạt 91,68%.
Trên tinh thần tích cực chung tay cùng cả nước phòng chống dịch và góp phần chia sẻ những khó khăn đối đối với người dân và các khách hàng sử dụng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 5.
Đối tượng được hỗ trợ giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện, đáp ứng các điều kiện:
Các khách hàng sử dụng điện là các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm ngày 25/8/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đang duy trì sản xuất trong các lĩnh vực: Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; chế biến và bảo quản rau quả; sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD.
Là các khách hàng đang mua điện trực tiếp từ tổng công ty điện lực, công ty điện lực thuộc EVN hoặc các đơn vị bán lẻ điện khác. (3) Danh sách nhà máy, cơ sở sản xuất được giảm tiền điện do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và cung cấp cho các đơn vị điện lực. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện là 03 tháng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 11 năm 2021. Theo ước tính sơ bộ, tổng số tiền giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt 5 này khoảng 650 tỷ đồng.
Cùng với việc thực hiện 5 đợt giảm giá điện, tiền điện để góp phần giảm bớt khó khăn do tác động của dịch Covid-19, toàn bộ công nhân viên EVN đã và đang tiếp tục chung tay cùng cộng đồng triển khai nhiều hoạt động ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho các địa phương và cơ sở y tế. Chỉ tính riêng đợt dịch Covid-19 cuối tháng 4/2021 đến nay, EVN và các đơn vị thành viên đã đóng góp ủng hộ khoảng 500 tỷ đồng, trong đó EVN đã ủng hộ 400 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng chống Covid-19.
Về đầu tư xây dựng, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng CP, các đơn vị vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vướng mắc GPMB, khó khăn trong công tác tập kết thiết bị và nhân lực đến công trường để thi công. Do đó, tiến độ thi công các công trình cả nguồn điện và lưới điện bị ảnh hưởng. Lũy kế 8 tháng năm 2021, EVN và các đơn vị đã khởi công 79 công trình lưới điện; hoàn thành đóng điện 77 công trình lưới điện 110-500 kV, trong đó đã đóng điện trạm biến áp 110 kV Trà Cú và đường dây 110 kV Trà Cú - Duyên Trà...
Tháng 9/2021, sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống dự kiến ở mức 689,9 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 37.01MW. EVN xác định tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo sản xuất, cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân, tại các cơ sở y tế, các khu cách ly tập trung Covid-19.
Khai thác thủy điện phù hợp theo tình hình thủy văn của từng hồ, theo từng ngày, đảm bảo mục tiêu tích nước và chuẩn bị tốt cho việc cấp điện mùa khô năm 2022; Huy động điều chỉnh theo chiến lược huy động thủy điện. Trong nửa đầu tháng 9/2021 vẫn huy động nhiệt điện than ở mức thấp để khai thác cao thủy điện và sẽ tăng khai thác nhiệt điện để tích nước thủy điện vào cuối năm; vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc – Nam.
Về công tác đầu tư xây dựng, đôn đốc các đơn vị tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn trong thi công do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện và các công trình lưới điện cấp bách, giải tỏa công suất năng lượng tái tạo. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải trọng điểm: Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, trạm biến áp 500kV Lào Cai, cụm dự án đấu nối Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, đường dây 500kV mạch 3... Phấn đấu khởi công các dự án: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I trong quý III/2021, Nhiệt điện Ô Môn IV trong quý IV/2021, Điện mặt trời Phước Thái 2 & 3 trong quý IV/2021... Triển khai việc đóng góp ý kiến dự thảo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương xây dựng.
Ngoài ra, trong tháng 9/2021, EVN tiếp tục chỉ đạo các tổng vông ty, công ty điện lực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h; chủ động chuẩn bị ứng phó thiên tai, mùa mưa bão, lũ lụt; đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, các công trình điện và đảm bảo an toàn hồ đập, các nhà máy thuỷ điện, vùng hạ du hồ chứa…