EVN đề xuất tăng giá điện từ 10 - 13%: Cân nhắc tính hợp lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện với mức tăng từ 10 - 13%. Nếu được thông qua, việc điều chỉnh giá điện sẽ được thực hiện trong tháng 11 tới.

Lý do vẫn là không tăng thì lỗ

Lý do tăng giá được EVN giải thích là đảm bảo tính đúng, đủ chi phí giá thành điện, đảm bảo có tiền đầu tư và giảm lỗ. Hiện EVN lỗ khoảng 30.000 tỉ đồng do phải mua điện giá cao từ một số nhà máy điện độc lập, điều chỉnh tỉ giá… và đầu tư vào những lĩnh vực nóng chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán điện như Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Than, khoáng sản (TKV)… đã có văn bản "thúc" EVN phải trả nợ hàng chục nghìn tỉ đồng. Mặc dù đã được tăng giá hơn 15% vào tháng 3 năm nay nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với khoản lỗ của EVN đang phải gánh. Nhiều khoản lỗ được “treo” lại để xin cơ chế giải quyết. Trong phương án giá điện 2011 cũng chưa được tính các khoản lỗ này. Trong khi đó, EVN không có nguồn nào trả nợ trừ việc phân bổ vào giá điện. 

Trong văn bản đề xuất, EVN cũng để ngỏ khả năng tăng giá mà trong QĐ số 24/2011 và Thông tư của Bộ Công Thương hướng dẫn cơ chế điều chỉnh giá điện. Theo đó 3 yếu tố đầu vào cơ bản của giá điện là giá nhiên liệu, tỉ giá và cơ cấu sản lượng điện phải thay đổi trong 3 tháng liên tiếp, dưới 5%, EVN báo cáo Bộ Công Thương và tự động điều chỉnh.  Tuy nhiên, với mức tăng từ 10 - 13%, EVN có văn bản gửi Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ.

Thận trọng

Trong đề án giá điện trình Bộ Công Thương vào tháng 9/2011, EVN đề xuất 3 phương án tăng giá. Phương án tăng cao nhất 13% và phương án tăng thấp nhất trên 10%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị việc điều chỉnh giá điện không nên điều chỉnh liên tục các quí, nên EVN đưa ra đề xuất tăng giá như trên. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 có thể giảm nhưng từ nay đến cuối năm, việc kiềm chế lạm phát vẫn còn rất cấp thiết. Vì vậy, cần xem xét hết sức thận trọng yêu cầu tăng giá của bất cứ mặt hàng nhạy cảm nào như điện, than…

Theo các chuyên gia, có tình hình  này do việc giữ giá quá lâu về chính sách năng lượng cũng như chính sách về cấu trúc của thị trường điện hiện nay. Chúng ta để thị trường điện độc quyền lâu quá nên hiệu quả sản xuất của EVN hiện nay ra sao không ai kiểm soát được…

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 7230/VPCP- KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong đó yêu cầu  Bộ Công Thương ban hành, công bố công khai khung giá mua bán điện áp dụng cho từng loại hình phát điện; kiểm tra thực hiện giá bán điện theo qui định; Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện phương án giá điện và đánh giá việc đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư vào EVN Telecom của EVN.

Trong các ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, có không ít ý kiến đề xuất để Cục Điều tiết Điện lực là cơ quan độc lập, thực hiện chức năng giám sát và đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường điện. Đây được coi là giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề giá điện.

Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long cho rằng: Hiện EVN trong thế khó khăn về tài chính nên có thể trong ngắn hạn phải tạm giải quyết tăng giá. Nhưng đây không phải là giải pháp giải quyết căn bản vấn đề. Vấn đề ở đây là người dân cần công khai, minh bạch cách tính, các khoản thu chi của EVN. Cần có chính sách hoặc giải thích rõ với người dân vì lạm phát hiện đang cao, trong khi sản xuất của doanh nghiệp đang khó khăn. Chính phủ đang phải chú tâm vào việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm. Về lâu dài cần sớm thực hiện mở cửa thị trường điện.

Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần thứ hai giá điện tăng trong năm nay. Giá bán lẻ điện trung bình sẽ tăng từ mức trung bình 1.242 đồng/kWh hiện nay lên 1.403 đồng/kWh.