Theo báo cáo, doanh thu hợp nhất đạt 338.500 tỷ đồng - tăng 15% so với mức 295.000 tỷ đồng của năm trước.
Ảnh minh họa |
Do không có thuyết minh đầy đủ nên hiện chưa rõ vì sao chi phí tài chính năm ngoái của EVN lại tăng đột biến. Dữ liệu từ năm 2012-2017 cho thấy chi phí tài chính hàng năm của EVN chủ yếu dao động trong khoảng từ 18 đến 22 nghìn tỷ đồng.
Dẫu vậy, mức lợi nhuận hơn 9 nghìn tỷ đồng của năm 2018 vẫn cao nhất trong 6 năm. Năm 2012 và 2013, lợi nhuận của EVN đạt lần lượt là 9.600 tỷ và 10.400 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2018, tập đoàn này có 706.504,3 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 4.924 tỷ đồng so với đầu năm trong khi nợ phải trả giảm nhẹ hơn 73 tỷ đồng còn 489.058,2 tỷ đồng; trong đó, nợ ngắn hạn là 121.623,3 tỷ đồng, tăng 6.066 tỷ đồng.
Cuối năm 2018, EVN có khoản 34.209,4 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, tăng 1.845,8 tỷ đồng so với năm 2017. Ngoài ra, tập đoàn còn tăng mạnh giá trị đầu tư tài chính từ con số 23.423,9 tỷ đồng năm 2017 lên con số 44.999,5 tỷ đồng trong năm 2018. EVN không đầu tư chứng khoán kinh doanh mà chủ yếu khoản này (tới hơn 39.000 tỷ đồng) là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (ngắn hạn).
Cùng với báo cáo tài chính, EVN cũng công khai báo cáo chế độ, tiền lương, tiền thưởng năm 2018. Cụ thể, trong năm 2018, tiền lương bình quân ước tính đối với 14 người quản lý chuyên trách tại công ty mẹ là 47,75 triệu đồng/người/tháng và tiền lương bình quân của 4.061 người lao động tại công ty mẹ là 21,6 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2019, EVN dự kiến số lượng người quản lý chuyên trách bình quân năm sẽ giảm còn 13 người và mức tiền lương bình quân sẽ được tăng lên con số gần 48,5 triệu đồng/người/tháng. Quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý là 7,4 tỷ đồng.
Về tiền lương của người lao động, số lao động bình quân trong năm nay khoảng 4.855 người và tiền lương bình quân đạt gần 21,2 triệu đồng/người/tháng. EVN dự chi hơn 1.234 tỷ đồng.