Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Eximbank cần sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước

Cao Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt 5 năm liên tục mới duy nhất 1 lần (năm 2018), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) họp Đại hội cổ đông thường niên. Phải chăng Eximbank phớt lờ pháp luật, điều lệ ngân hàng, văn hóa DN. Điều này không chỉ tác động tiêu cực nội bộ Eximbank mà dựng nên hình ảnh không đẹp cho các ngân hàng trên thị trường tài chính.

Hoạt động nghiệp vụ tại Eximbank. Ảnh: Việt Dũng
Phớt lờ pháp luật và điều lệ ngân hàng
Luật DN năm 2014, Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 và Điều lệ hoạt động của Eximbank đều quy định rõ họp Đại hội cổ đông thường niên và có thể họp cổ đông bất thường do triệu tập của Hội đồng quản trị (HĐQT). Triệu tập họp Đại hội cổ đông thường niên lần 1 không thành, Eximbank được phép triệu tập lần 2, lần 3 theo quy định. Chỉ trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh có thể hoãn họp Đại hội cổ đông. Dù lý do gì đi nữa, mọi hoạt động của DN phải tôn trọng pháp luật, đó là văn hóa của DN.
Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (Điều 34) đã quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng với hành vi không tiến hành họp Đại hội cổ đông thường niên trong thời hạn và buộc tiến hành Đại hội cổ đông thường niên theo quy định. Mức tiền phạt vi phạm đối với DN là không lớn nhưng tổn hại lớn là hình ảnh DN trên thị trường bị giảm sút.
Ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm. Luật Tổ chức tín dụng quy định 18 nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội cổ đông thể hiện thông qua Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên. Nghị quyết này không đơn giản chỉ là thông qua kết quả kinh doanh năm trước và kế hoạch kinh doanh năm nay mà chính là cơ sở pháp lý để ngân hàng hoạt động. Eximbank không họp Đại hội cổ đông thường niên và do vậy không có Nghị quyết Đại hội cổ đông, tức hoạt động của ngân hàng diễn ra trong điều kiện vi phạm. Chẳng hạn, do không có Nghị quyết Đại hội cổ đông nên việc chi trả thù lao, thưởng và các lợi ích khác đối với thành viên HĐQT, Ban kiểm soát đang diễn ra tại Eximbank là không có căn cứ pháp lý, vi phạm chế độ tài chính của DN.
Hệ lụy không họp Đại hội cổ đông thường niên của Eximbank là hết sức tiêu cực và được cho là bất thường. Là ngân hàng vào thời điểm cuối năm 2019 có tổng tài sản hơn 167.538 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 15.479 tỷ đồng nhưng hoạt động của Eximbank trong tình trạng không có Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của ngân hàng. Ông Lê Văn Quyết thôi giữ chức Tổng Giám đốc từ ngày 5/4/2019 đến nay đã 17 tháng nhưng Eximbank vẫn chưa có nhân sự thay thế đứng vai người đại diện pháp luật của ngân hàng này.
Đơn cử, vì không có Tổng Giám đốc nên không có người ký văn bản ủy quyền Trưởng phòng giao dịch ký các Hợp đồng tín dụng với khách hàng theo mức phán quyết. Hệ quả, toàn bộ Hợp đồng tín dụng từ các phòng giao dịch phải dồn toa về chi nhánh ngân hàng ký duyệt. Việc này không chỉ gây quá tải hồ sơ tín dụng mà tiềm ẩn rủi ro cho chi nhánh. “Dù nhân viên tín dụng Phòng giao dịch đã thẩm định hồ sơ khách hàng trước khi trình chi nhánh ký thì tôi vẫn giao Phòng tín dụng thẩm định lại để phòng rủi ro”- một Phó Giám đốc phụ trách tín dụng Chi nhánh của Eximbank cho biết. Tại sao Eximbank bị “treo” ghế Tổng Giám đốc quá lâu? Trong câu chuyện này trước hết thuộc trách nhiệm của HĐQT Eximbank nhưng rõ ràng có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước phải ra tay
Câu chuyện tranh quyền đoạt vị giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dài nhiều năm. Giờ đây, việc tranh chấp đã vượt quá lằn ranh, các bên đều tìm cách thâu tóm cổ phần lẫn nhau để duy trì và gia tăng quyền lực còn đâu động thái ngồi lại với nhau bàn chuyện hợp tác để phát triển ngân hàng. Thành viên HĐQT phần lớn được giới thiệu từ nhiệm kỳ cũ, một số thành viên không có cổ phần và không đại diện lợi ích cho các nhóm cổ đông nên hoạt động không vì lợi ích cổ đông.
Thực tế HĐQT và Ban điều hành Eximbank đã không còn tôn trọng quyền và lợi ích của cổ đông. Liên tục nhiều năm qua cổ đông trong tình trạng 3 không: Không được nhận cổ tức, không có chênh lệch giá cổ phiếu, không được biết kết quả và kế hoạch kinh doanh ngân hàng hàng năm. Thực trạng này đang tác động tiêu cực chung đến các nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán. Nhiều cổ đông nhỏ của Eximbank đang trở thành con bài bị lợi dụng của một số cá nhân thông qua hình thành nhóm cổ đông ủy quyền theo luật định.
Cổ đông - chủ ngân hàng thì như vậy, còn người lao động thì sao? Do hiệu quả kinh doanh sa sút liên tục nên nhiều năm qua nhân viên Eximbank có mức lương bét bảng mức lương hệ thống ngân hàng. Chị H. - kiểm soát viên giao dịch tại một chi nhánh Eximbank cho biết: “Tốt nghiệp Đại học ngân hàng vào đây làm việc sang năm thứ 13 nhưng lương cộng phụ cấp trách nhiệm của tôi chỉ là 12,5 triệu đồng và 2 tháng nay chỉ còn 10,1 triệu đồng”. Điều đáng nói ở đây là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến lợi nhuận năm 2020 của các ngân hàng là đã nhìn thấy nhưng chưa có ngân hàng nào công bố phải cắt giảm tiền lương.
Thực ra Eximbank không công bố chính thức cắt giảm lương mà bằng cách ép người lao động mỗi tháng phải nghỉ việc 4 ngày không hưởng lương, mức lương sau khi bị trừ nghỉ việc đảm bảo tối thiểu là 8,5 triệu đồng. Đương nhiên như trường hợp lương chị H. nói trên đã bị giảm đến 19,2% vì nghỉ việc. Do thu nhập bị giảm sâu, cộng môi trường làm việc thiếu động lực nên không ít cán bộ vị trí chức danh có năng lực tại một số chi nhánh Eximbank đang lần lượt tìm bến đỗ mới. Chẳng hạn, tại Chi nhánh Eximbank Phú Mỹ Hưng – TP Hồ Chí Minh đã có 1 Trưởng phòng khách hàng, 1 Phó phòng giao dịch ra đi.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 lần 1 của Eximbank vào ngày 30/6 vừa qua đã bị hủy do đến 9 giờ 30 chỉ có 17,54%/65% - số phiếu bầu tối thiểu, có mặt. HĐQT Eximbank đã phát đi thông báo tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 lần 2, dự kiến họp vào ngày 29/7 sắp tới. Sau khi nhận thông báo tổ chức Đại hội cổ đông thường niên lần 2 từ HĐQT, cổ đông lớn đang nắm giữ 15% vốn cổ phần Eximbank là Sumitomo MiitsuiBanking Corpotation (SMBC) đã có văn bản yêu cầu ngân hàng này họp Đại hội cổ đông bất thường lần 2 trước khi họp Đại hội cổ đông thường niên lần 2. Được biết, văn bản yêu cầu này SMBC không chỉ gửi cho HĐQT Eximbank mà đồng gửi đích danh Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.
Dư luận những người lâu nay có tâm huyết với quá trình phát triển của Eximbank đang cho rằng Đại hội cổ đông thường niên lần 2 khó thành công vì xung đột nội bộ chưa có lời giải. Nhiều người trong nhóm này đều cho rằng phải có bàn tay can thiệp của lãnh đạo NHNN thì Eximbank mới tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 thành công. Sau Đại hội cổ đông đó, kỳ vọng có nhiều gương mặt mới và áp vào các quy chế quản trị mới theo yêu cầu của NHNN thì mới có cơ may mở lại con đường phát triển cho Eximbank.