Thuật toán sai lầm
Cựu quản lý sản phẩm Facebook Frances Haugen đã công khai thân phận vào đầu tháng này, sau một thời gian bí mật gửi tài liệu nội bộ của “gã khổng lồ” mạng xã hội cho truyền thông và một số cơ quan quản lý tại Mỹ. Là người từng làm việc tại bộ phận chống tin giả, trực tiếp sử dụng các thuật toán của Facebook, cô hiểu rất rõ về công nghệ của công ty so với những người từng tố giác Facebook trước đó.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ vào ngày 5/10, Haugen chỉ trích động thái hời hợt của Facebook trước những nội dung không an toàn cho trẻ vị thành niên, trong đó cô nhấn mạnh nguyên nhân đến từ thiết kế nền tảng và thuật toán xếp hạng, kiểm duyệt nội dung của Facebook.Với lượng dữ liệu khổng lồ của người dùng Facebook, thuật toán có thể tự phát triển để thu hẹp phạm vi đối tượng người dùng. Chẳng hạn, bằng thuật toán, Facebook có thể nhắm đến người dùng không chỉ là giới tính nữ, mà còn là “nữ từ 25 - 34 tuổi, thích những fanpage liên quan đến Yoga”, để nhắm mục tiêu quảng cáo và hiển thị nội dung trên Facebook. Mục tiêu được nhắm càng cụ thể, cơ hội nhấp vào quảng cáo càng cao, mang đến nhiều lợi nhuận hơn cho nhà quảng cáo so với chi phí bỏ ra. Một số thuật toán khác cũng nhằm phát hiện các loại nội dung bẩn như ảnh khỏa thân, tiêu đề giật gân… để xóa hoặc hạ vị trí của chúng trên trang chủ (News Feed) của người dùng.
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg trong một phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ, tháng 10/2019. Ảnh: Reuters |
Năm 2016, Facebook bổ sung 5 biểu tượng cảm xúc cho bài viết gồm “yêu thích”, “haha”, “wow”, “buồn” và “phẫn nộ”, bên cạnh nút “thích”. Kể từ đó, công ty đã tạo ra thuật toán xếp hạng bài viết trên News Feed dựa trên sự thu hút tương tác bằng cảm xúc, kể cả chúng có nội dung khiến người dùng tức giận. 2 năm sau đó, thuật toán xếp hạng bài viết của Facebook đã quy đổi các biểu tượng có giá trị bằng 5 “thích”, do những bài đăng nhiều tương tác như “haha”, “phẫn nộ”, có xu hướng thu hút người dùng hơn. Bài đăng có nhiều điểm sẽ xuất hiện trên News Feed của người dùng ở vị trí cao hơn.Theo tài liệu nội bộ của Facebook, các nhà nghiên cứu của công ty đã nhanh chóng nhận ra sơ hở lớn trong hệ thống xếp hạng này. Một nhân viên Facebook cho rằng việc ưu tiên bài đăng gây tranh cãi, kể cả khi nội dung khiến người dùng phẫn nộ, có thể tạo kẽ hở cho các nội dung “rác”, nội dung kích động. Lo ngại về biểu tượng “phẫn nộ” cũng là một phần trong hồ sơ mà Frances Haugen đã nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) nhằm tố cáo công ty về việc xử lý nội dung bẩn. Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban An toàn trực tuyến của Quốc hội Anh hôm 25/10, Haugen nói: “Giận dữ và căm thù là cách dễ dàng nhất để phát triển trên Facebook”.“Facebook - từng thừa nhận trước công chúng - rằng thuật toán xếp hạng nội dung dựa trên mức độ tương tác gây nguy hiểm nếu không có hệ thống bảo mật, tuy nhiên lại không triển khai hệ thống ấy cho hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới… Tại những nơi như Ethiopia, thuật toán đang kích động bạo lực sắc tộc theo đúng nghĩa đen” - Haugen nói trước nhà lập pháp Anh. Chỉ ra sự không đồng nhất của Facebook trong khả năng kiểm duyệt nội dung bằng tiếng Anh và ngôn ngữ khác, Haugen nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp kiểm duyệt không dựa trên nội dung, vì chúng sẽ bảo vệ những người dễ bị tổn thương trên thế giới”.Điều này, theo MIT Technology Review, là bước ngoặt đáng chú ý so với quan điểm hiện nay của các nhà lập pháp về chính sách kiểm duyệt của Facebook. Nhiều chuyên gia cho rằng quan điểm hiện tại của giới chức Mỹ đã bỏ qua bức tranh lớn hơn mà Haugen đề cập.Cần luật pháp can thiệpGiới quan sát nhận định, Facebook có khả năng đối mặt với việc xử phạt do đã vi phạm thỏa thuận năm 2019 với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) về quyền riêng tư người dùng. Vào năm 2019, Facebook đạt thỏa thuận với FTC trước những lo ngại rằng thông tin của hàng triệu người dùng đã bị khai thác trái phép bởi công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica. Ngay sau sự việc, FTC đã yêu cầu Facebook tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Mạng xã hội lớn nhất hành tinh cũng bị phạt 5 tỷ USD, nhưng nhiều chuyên gia nhận định con số là “muối bỏ bể” với doanh thu của Facebook.Báo cáo lợi nhuận quý gần nhất hôm 25/10 - ngày Frances Haugen điều trần tại Anh, Facebook cho biết thu nhập ròng của công ty đã tăng 17% trong giai đoạn từ tháng 7 - 9/2021, lên 9,19 tỷ USD, nhờ doanh thu quảng cáo tăng mạnh. Con số này tăng từ 7,85 tỷ USD vào năm ngoái và nâng tổng doanh thu tăng 35%, lên 29,01 tỷ USD. Cổ phiếu của Facebook đã tăng 2,5% trong giao dịch ngoài giờ sau khi đóng cửa, tăng 1% trong ngày hôm đó. Các kết quả này đều đã vượt quá dự báo của các nhà phân tích trước đó về lợi nhuận của Facebook. Trong một phát biểu cùng ngày, Giám đốc điều hành, đồng sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg gọi bê bối hiện tại là một âm mưu nhằm vẽ nên “bức tranh sai lệch” về công ty này.Trong lời tố cáo công ty cũ, Frances Haugen đã nhiều lần khẳng định rằng các lãnh đạo Facebook không quan tâm đến việc thay đổi thuật toán. Các kỹ sư của Facebook được cho đã đề xuất điều chỉnh mô hình xếp hạng, ít hiển thị nội dung tiêu cực trên News Feed hơn, nhưng không có động thái thực tế cho sự thay đổi này. Khi mức độ tương tác trở thành thước đo đánh giá hiệu quả dự án, nhân viên Facebook phải làm quen với việc bỏ qua phản hồi, tiếp tục làm việc với các nhiệm vụ được chỉ định từ cấp trên.Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia trong ngành, Haugen cũng không ủng hộ việc triệt hạ Facebook hoặc bãi bỏ Điều 230 trong Chuẩn mực Truyền thông ban hành năm 1996 tại Mỹ - bộ luật được xem như là “kim bài miễn tử” của các hãng công nghệ lớn. Thay vào đó, cô kêu gọi điều chỉnh mục miễn trừ trách nhiệm trong Điều 230, tập trung vào thuật toán xếp hạng. Haugen cũng ủng hộ Facebook trở lại cách xếp hạng bài viết trên News Feed theo trình tự thời gian.Hơn hết, việc công khai lên tiếng của Haugen đang mở ra viễn cảnh rằng nếu Facebook này không thể đưa thuật toán vào khuôn khổ, các nhà hoạch định chính sách có thể vào cuộc để giải quyết vấn đề. “Quốc hội Mỹ có thể thay đổi các quy tắc của Facebook để ngăn chặn tác hại đang gây ra... Tôi chấp nhận gặp rủi ro cá nhân để tiếp tục vì tin rằng chúng ta vẫn còn thời gian hành động, nhưng cần làm điều đó ngay bây giờ” - Haugen nói.Điều này cũng đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của không ít chính phủ tại châu Âu, như Vương quốc Anh, nơi đang xây dựng những quy tắc kỹ thuật số để bảo vệ người dùng internet tốt hơn, trong đó đặc biệt yêu cầu các nền tảng trực tuyến chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với nội dung bất hợp pháp hoặc nguy hiểm được đăng tải. Chẳng hạn, theo quy định của chính quyền London, dự kiến có hiệu lực vào năm tới, các tập đoàn công nghệ sẽ phải đối mặt với hình phạt tối đa lên tới 10% doanh thu toàn cầu của họ cho bất kỳ vi phạm nào. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đề xuất một hình phạt tương tự. Tháng tới, Haugen dự kiến sẽ có cuộc gặp với các quan chức EU tại Brussels, Bỉ.
"Quốc hội Mỹ có thể thay đổi các quy tắc của Facebook để ngăn chặn tác hại đang gây ra... Tôi chấp nhận gặp rủi ro cá nhân để tiếp tục vì tin rằng chúng ta vẫn còn thời gian hành động, nhưng cần làm điều đó ngay bây giờ." - Người tố giác Facebook Frances Haugen |