Trong thông báo đưa ra ngày 9/8, Facebook cho biết một "trung tâm xóa bỏ" mới với 500 nhân viên sẽ được thành lập tại TP Essen vào mùa Thu này.
Ngoài ra, số lượng nhân viên làm việc tại văn phòng ở Berlin của công ty cũng sẽ tăng lên 700 người.
Thay vì tuyển dụng nội bộ, Facebook đang ký hợp đồng phụ với các nhà cung cấp dịch vụ ở châu Âu là Arvato và Competence Call Center.
Kế hoạch trên của Facebook được công bố sau khi Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) hồi tháng Bảy vừa qua đã thông qua Đạo luật Cưỡng chế hành vi sai phạm trên mạng.
Đạo luật này, còn được gọi với cái tên "dân dã" khác là "luật Facebook", nêu rõ các công ty truyền thông xã hội, như Facebook, Twitter và YouTube, có thể phải đối mặt với một khoản tiền phạt lên tới 50 triệu euro (tương đương 58,53 triệu USD) nếu không kịp thời xóa bỏ các nội dung mang tính chất thù hận, phỉ báng và kích động bạo lực.
Cụ thể, các trang mạng xã hội phải dỡ bỏ các nội dung tiêu cực trên trong vòng 24h sau khi tiếp nhận những lời phàn nàn của người dùng.
Đối với một số trường hợp khó phân biệt các nội dung nêu trên, các hãng truyền thông xã hội sẽ có khoảng thời gian 1 tuần để phát hiện và loại bỏ.
Đạo luật trên đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các công ty truyền thông xã hội, các nhóm dân sự và các nhóm lợi ích do cho rằng văn kiện này gây khó khăn cho các công ty công nghệ cao khi xác định tính hợp pháp của các nội dung trực tuyến.
Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã phàn nàn rằng ông muốn thấy một giải pháp thống nhất của châu Âu đối với vấn đề này thay vì các phương án riêng rẽ của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, đồng thời gọi đạo luật trên của Đức là "không phù hợp".
Tuy nhiên, chính giới Đức cương quyết bảo vệ đạo luật trên, cho rằng nếu không có áp lực chính trị, các mạng xã hội sẽ không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình.