FAO mở lớp tập huấn giúp các tỉnh phía Nam sản xuất nông sản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong thời gian ba tháng của khóa học, các học viên được giới thiệu những phát minh mới trên lĩnh vực bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất theo công nghệ IPM nâng cao của thế giới

KTĐT - Trong thời gian ba tháng của khóa học, các học viên được giới thiệu những phát minh mới trên lĩnh vực bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất theo công nghệ IPM nâng cao của thế giới

Ngày 14/7, thạc sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đơn vị đang mở lớp tập huấn chuyên đề “Giáo dục cộng đồng giảm nguy cơ thuốc bảo vệ thực vật và sản xuất lúa-rau màu theo định hướng VietGAP-GAP” cho 30 cán bộ bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phía Nam.

Lớp tập huấn do Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) tài trợ, trong thời gian ba tháng (từ 14/7 đến trung tuần tháng 10) với kinh phí cho khóa học là 42.000USD.

Ông Hồ Văn Chiến cũng cho biết, trong thời gian ba tháng của khóa học, các học viên được giới thiệu những phát minh mới trên lĩnh vực bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất theo công nghệ IPM nâng cao của thế giới, những biện pháp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về các giải pháp thâm canh tiên tiến theo hướng GAP đảm bảo được sức khỏe và an toàn.

Các học viên còn được giới thiệu những nội dung mới về công nghệ sinh thái, đa dạng hóa sinh học, sản xuất thời biến đổi khí hậu cũng như các bộ tiêu chí phải thực hiện nghiêm ngặt nếu muốn được công nhận đạt ngưỡng sản xuất VietGAP, AseanGAP hoặc GlobalGAP.

Sau khóa học, các cán bộ trên sẽ trở thành những hạt nhân tại các địa phương đẩy mạnh xúc tiến chương trình phổ cập, tập huấn, đào tạo cho nông dân tại các địa bàn chuyên canh lúa chất lượng cao, trồng rau màu sản xuất theo tiêu chí VietGAP, AseanGAP và GlobalGAP nhằm từng bước định hình nền sản xuất nông sản hàng hóa có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tiêu chuẩn hóa và có khả năng cạnh tranh mạnh trên thị trường trong, ngoài nước.

Ban tổ chức cũng đã chọn năm điểm xây dựng mô hình sản xuất trong dân tại Mỹ Thành Bắc và Mỹ Thành Nam (Cai Lậy), Long Định (Châu Thành), Phú Mỹ (Tân Phước). Mỗi điểm có diện tích 10ha với 30 nông dân tham gia, được sáu học viên và một giảng viên phụ trách theo hướng cùng học hỏi, nghiên cứu, chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ./.