Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

FDI 2016: Chỉ có 1 dự án tỷ USD

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là con số rất ít ỏi nếu biết trong năm 2015 đã có tới 4 dự án sở hữu nguồn vốn FDI lên tới hơn 1 tỷ USD.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, đến 26/12, cả nước có 2.556 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư tổng vốn đăng ký là 15,18 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và bằng 97,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó đã có 1.225 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,76 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và bằng 80,3% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ. Ngoài ra trong năm cũng có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện với tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD.
 LG Display Hải Phòng là dự án FDI có giá trị trên 1 tỷ USD duy nhất trong năm
Tuy nhiên, nếu đi vào cụ thể giá trị của từng dự án, trong năm 2016, chỉ có duy nhất 1 dự án có quy mô trên 1 tỷ USD là Dự án LG Display Hải Phòng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 1 năm trước nếu biết 2015, cả nước có tới 4 dự án có quy mô trên 1 tỷ USD, gồm: Dự án Samsung Display (tăng vốn thêm 3 tỷ USD), Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 2 (vốn đầu tư 2,4 tỷ USD), Dự án Thành phố Đế Vương (vốn đầu tư 1,2 tỷ USD) và Dự án Giấy Cheng Loong (vốn đầu tư 1 tỷ USD).
Cũng trong 2016, đã có 2 dự án tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư là Dự án điện BOT Nghi Sơn 2 (vốn đầu tư 2,5 tỷ USD) và Dự án điện Vũng Áng 2 (vốn đầu tư 2,5 tỷ USD). Nhưng khả năng lớn là 2 dự án này chỉ được cấp phép trong năm 2017.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm nay, FDI được rót vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với 1.020 dự án đầu tư đăng ký mới, 861 lượt dự án điều chỉnh vốn và 290 dự án, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, tổng số vốn cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 15,53 tỷ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả năm.
Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh thành phố trong năm, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 836 dự án cấp mới, 222 lượt dự án điều chỉnh vốn và 1.935 dự án, tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm là 3,42 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư.
Về đối tác đầu tư, trong số 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 7 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.