Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

FDI đồng hành cùng Việt Nam tăng trưởng xanh

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hàng loạt vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “xanh” đang hướng mạnh vào Việt Nam. "Chủ trương của Việt Nam thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thông điệp tới Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời khẳng định, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất, hướng đến các chuẩn mực của OECD.

Ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghệ, kinh tế xanh

Tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; qua đó tạo nền tảng vững chắc để thu hút đầu tư.

Đồng thời cho biết, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; Thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

FDI xanh hướng mạnh vào Việt Nam. Ảnh minh hoạ
FDI xanh hướng mạnh vào Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Theo Bộ KH&ĐT, khảo sát tháng 1 về môi trường kinh doanh của Eurocham, Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Vừa qua, trong Báo cáo hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia.

Dù vậy, năm 2023, Việt Nam nhận định sẽ có nhiều thách thức; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo giảm trong năm 2023, trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau Covid-19 tăng cao.

Theo Bộ KH&ĐT, vốn FDI toàn cầu có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trước đó, vào tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp FDI. Khi đó, hai bên đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chân thành trên cơ sở niềm tin, sự chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành từ cả hai phía; thống nhất các giải pháp tập trung khắc phục khó khăn, tiếp tục hợp tác hiệu quả. Tiếp tục tinh thần đó, hội nghị lần này tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính

Thời gian qua, với hàng ngàn dự án trải khắp các tỉnh, thành, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam đã và đang lựa chọn Việt Nam để “xây tổ”.... Đặc biệt, những nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa. Như Intel là doanh nghiệp FDI đầu tiên lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Việt Nam, đây là hệ thống điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Intel tại châu Á, và là hệ thống lớn thứ 6 trong 15 hệ thống điện năng lượng mặt trời của Intel trên toàn cầu. Tập đoàn đa quốc gia China Tianying đầu tư dự án điện rác với giá trị đâu tư hơn 7000 tỷ tại Sóc Sơn, Hà Nội. Tập đoàn Lego xây nhà máy trung hòa carbon 1 tỷ USD hướng tới mục tiêu không phác thải khí Co2…

Hàng loạt các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản muốn “rót” thêm nhiều tỷ USD vào Việt Nam đồng thời kiến nghị các giải pháp giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ thêm nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới.

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) chia sẻ, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới, nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng. Tuy nhiên, nếu có sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn… thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam. 

Cụ thể, theo đại diện Kocham, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như Công ty Điện tử Samsung - doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam cũng đã đầu tư thêm 20 tỉ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái. Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Bà Antonia Zahn Weber - Giám đốc điều hành VFT Industry UG cho biết, sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường đã quyết định triển khai dự án tại Việt Nam.

VFT Industry UG đã hợp tác với các doanh nghiệp Đức, Việt Nam để chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỷ USD tại Việt Nam, có khả năng là đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ xanh ước tính 600.000 tấn/năm để giao thương trên thị trường Việt Nam và châu Âu.

Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến và thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, 47% số doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới. Dù vậy, "Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức và tạo điều kiện cho mức giá phù hợp. Điều này quan trọng vì các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch" - đại diện JETRO nói.

Đại diện Amcham mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển hệ thống pin dự trữ điện trong Quy hoạch điện VIII, việc thông qua việc mua bán điện trực tiếp và có kế hoạch cho phép các công ty có cam kết cao trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch tham gia vào quá trình này…

Tạo điều kiện thuận lợi mang tính đột phá, cam kết thuế tối thiểu toàn cầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ đặc biệt quan tâm, sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, nhất là về cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất và nghiên cứu, đề xuất các vấn đề liên quan đến thuế, phí, lệ phí hợp lý, trên tinh thần hai bên cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động; đặc biệt là bảo đảm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt. Tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics và chi phí hành chính.

Về vấn đề OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, theo Thủ tướng, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD (trong khuôn khổ Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận của OECD).

Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp (như hỗ trợ liên quan đến đất đai; chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng…) để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.

 

Theo Bộ KH&ĐT, tại Hội nghị đã có 3 tập đoàn thông báo về kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay, với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD. Đó là: Sản xuất xanh sử dụng năng lượng tái tạo 1,5 tỷ USD của nhà đầu tư Đức; Sản xuất trang thiết bị y tế 600 triệu USD - Nhật Bản; Sản xuất công nghiệp nặng và logistic 1,6 tỷ USD - Hàn Quốc.