Tạo sức ép lên lãi suất VND
Trước đó, tại họp báo về tình hình 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, dự kiến Fed công bố tăng lãi suất thêm 0,5%. Dự báo, đến cuối năm Fed sẽ tăng lãi suất lên khoảng 2,75% - 3%. Điều này tác động lớn lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước.
Tuy nhiên, Fed đã tăng mạnh lãi suất so với dự báo. Tuần trước, các nhà kinh tế học và nhà đầu tư vẫn dự báo Fed nâng lãi thêm 0,5%. Tuy nhiên, số liệu hôm 10/6 cho thấy lạm phát tháng 5 tại Mỹ lên cao nhất 41 năm khiến họ dự báo Fed sẽ mạnh tay hơn.
Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận mức tăng 0,75% là "lớn bất thường". Dù cho biết quan chức Fed "không muốn mức tăng này trở nên phổ biến", ông Powell tiết lộ họ vẫn có thể bàn bạc việc nâng lãi thêm 0,75% hay chỉ 0,5% trong phiên họp kế tiếp vào cuối tháng 7.
Về dài hạn, nếu Fed tiếp tục các đợt tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng nhất định lên lãi suất VND. Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã được các ngân hàng tăng thêm 0,3 - 0,6%, khi nhu cầu tín dụng, đầu tư tăng lên và trước áp lực lạm phát trong nước.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, lạm phát không còn là áp lực mà đã hiện hữu tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh giá nhiều mặt hàn tăng mạnh sau dịch Covid-19, đặc biệt là giá xăng dầu. Trong giai đoạn cuối năm, Phó Thống đốc cho biết NHNN đã đánh giá, lường trước các yếu tố bất lợi cho thị trường, đặc biệt là lạm phát, từ đó có phương án tính toán để thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa và những chính sách khác hợp lý, tích cực.
“Mục tiêu sau cùng là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã 3 lần nâng lãi suất. Fed tăng lãi suất, các thị trường, ngân hàng trung ương nhiều nước sẽ phải điều chỉnh theo. Thống kê của NHNN, năm 2021, đã có 113 đợt tăng lãi suất điều hành từ ngân hàng trung ương các nước, và chỉ trong 5 tháng đầu năm nay đã có thêm 144 đợt tăng lãi suất.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc tăng lãi suất của Fed sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn trên thị trường quốc tế ở thời điểm hiện tại. Cùng với đó, áp lực về chi phí vốn cũng đang đè lên một số ngân hàng khi lãi suất huy động trên thị trường đang tăng trở lại.
Như vậy, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát. Do đó, lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nhích lên không phải là xu hướng, mà tùy thuộc vào mức độ thanh khoản từ ngân hàng thương mại, cộng thêm yếu tố lạm phát tâm lý. “Tất nhiên, khi lãi suất huy động đầu vào tăng thì mục tiêu giảm lãi suất cho vay sẽ rất khó khăn” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VPS cũng cho rằng, trong bối cảnh vĩ mô đang tương đối nhạy cảm, các ngân hàng trung ương phải nhìn ngó các nước lớn điều hành chính sách như thế nào để có những bước đi phù hợp, tránh ảnh hưởng đến câu chuyện về tỷ giá hay hoạt động tăng lãi suất quá đột ngột, gây ra cú sốc trên thị trường.
Hiện lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng cũng không nên chủ quan với lạm phát năm nay, nhất là đối với lạm phát nhập khẩu. Vì thế, các nhà băng đã phải tăng lãi suất để hút tiền nhàn rỗi.
“Việt Nam đã rục rịch tăng lãi suất ở một số ngân hàng, vì thế chắc chắn, chính sách điều hành tiền tệ của NHNN và các ngân hàng thương mại cũng sẽ điều chỉnh lãi suất huy động cho vay. Đó là điều tất yếu, nhưng điểm quan trọng là chúng ta sẽ điều chỉnh ở mức nào, tăng nhiều hay tăng ít và các kỳ hạn ra sao. Rõ ràng chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng sẽ thay đổi” - ông Lê Đức Khánh nhận định.
Sức ép lên tỷ giá USD/VND
Về vấn đề tỷ giá USD/VND, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, chỉ số USD-Index đã tăng ròng hơn 9% từ đầu năm đến nay, trong khi Việt Nam vẫn kiểm soát tốt tỷ giá, và tiền Đồng mới chỉ mất giá khoảng 1,8%.
Việc tăng lãi suất USD của Fed sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng USD của DN (nhất là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI) tăng lên đáng kể. Thêm vào đó, lãi suất cao ở Mỹ sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài trên thế giới. Với Việt Nam khả năng rút cũng không nhiều nhưng cần theo dõi và lên kịch bản ứng phó kịp thời.
TS Cấn Văn Lực
Trong khi đó, nhiều đồng tiền khác trong khu vực đã ghi nhận mức giảm giá lớn so với đồng bạc xanh, như Nhân Dân Tệ mất giá 5,3%; Won Hàn Quốc mất giá 4,7%; Tân Đài Tệ mất 6%; Bath Thái mất 3,4% và Yên Nhật mất gần 16%...
Ngay sau khi Fed tăng lãi suất, cả giá vàng và các chỉ số chứng khoán Mỹ đều đi lên. Giá vàng tăng 26 USD/ounce, lên 1.834 USD.
Hiên dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao, góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỷ giá; nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 5 tháng đầu năm và cả năm dự báo vẫn thặng dư (khoảng 4 - 8 tỷ USD). NHNN tiếp tục điều hành chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường.
Trong một diễn biến liên quan, cuối tuần vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ", trong đó có bao gồm những phân tích về Việt Nam.
Theo đó, Mỹ ghi nhận sự hợp tác của NHNN Việt Nam thời gian qua trong việc xử lý những vi phạm liên quan tới thao túng tiền tệ. Như vậy, sau 3 kỳ báo cáo liên tiếp Việt Nam vi phạm cả 3 tiêu chí, trong kỳ báo cáo lần này (giai đoạn 4 quý liên tiếp tới hết tháng 12/2021), Việt Nam chỉ còn vi phạm 1 tiêu chí (thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 90 tỷ USD, cao hơn ngưỡng giới hạn 15 tỷ USD).
Do đó, Việt Nam chính thức không còn chịu các đánh giá nâng cao (enhanced analysis) mà thay vào đó chuyển sang đánh giá chuyên sâu (in-depth analysis) và quay trở lại danh sách giám sát (monitoring list) cùng 11 nền kinh tế khác.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, từ nay đến cuối năm, mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, NHNN sẽ sử dụng đồng bộ các công cụ lãi suất, thanh khoản, tín dụng, tỷ giá… để kiểm soát bằng được lạm phát, không để ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường, từ đó duy trì mặt bằng lãi suất ổn định.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định từ nay đến cuối năm NHNN vẫn chủ trương đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ưu tiên và các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như chuỗi du lịch, hàng không, vận tải… Tuy nhiên, một số lĩnh vực sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu DN.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, nền kinh tế bắt đầu có sự hồi phục khi dịch bệnh được kiểm soát; để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc ngân hàng trung ương các nước, nhất là Fed, có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất… TS Cấn Văn Lực khuyến nghị, cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ DN, nhất là khối DN vay nợ nước ngoài nhiều.
Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực cũng lưu ý, cần xây dựng kế hoạch với các chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất quán nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài. Chủ động, linh hoạt và phối hợp chính sách, thực thi chính sách hiệu quả hơn là rất cần thiết. Thực hiện nhanh gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với DN để phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay (bằng đồng USD), từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các DN. Nhiều tổ chức nghiên cứu trên thế giới gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Mỹ. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng. (Đánh giá của CTCK VNDirect)