Lãi suất huy động vẫn ở mức cao
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã nằm trong dự tính, ngay cả mức tăng rất thấp (0,25 điểm) cũng đã được dự báo. Fed đã tăng lãi 8 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Năm 2022, Fed đã thông qua 4 lần điều chỉnh lãi suất 0,75 điểm phần trăm liên tiếp trước khi chuyển sang mức tăng nhỏ hơn 0,5% vào tháng 12/2022.
Lãi suất 0,25% lần này áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Dù đây không phải mức mà người tiêu dùng phải trả, động thái của Fed vẫn có thể ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm mà họ tiếp xúc hàng ngày, như vay mua nhà, mua xe, dùng thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, Fed báo hiệu sẽ tăng vài đợt nữa để chống lạm phát và chưa giảm lãi suất trong năm 2023.
Tại thị trường Việt Nam, sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, một số ngân hàng có điều chỉnh giảm nhẹ từ 0,1 - 1%/ như tại Techcombank, mức lãi suất huy động cao nhất ở ngân hàng này là 9,2%/năm. Trong khi trước tết là 9,5%/năm.
Sacombank hiện lãi suất cao nhất chỉ còn 9,2%/năm áp dụng cho tiền gửi online, kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng. Tại PVCombank cũng giảm từ 9,9%/năm xuống 9,5%/năm dành cho khách hàng gửi tiền qua kênh online theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng…
Một loạt ngân hàng đã điều chỉnh giảm nhẹ biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân trong tháng 1 năm nay như BaoVietBank, OceanBank, DongABank, BacABank… Mức lãi suất cao nhất của các ngân hàng này trước đó trong khoảng 9,2 - 10,2%/năm nay đã hạ xuống phổ biến trong khoảng 8,5 - 9,2%/năm.
Trong khi đó, với nhóm ngân hàng quốc doanh gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, mặt bằng lãi suất huy động vẫn duy trì ổn định so với cuối năm 2022. Hiện lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 6 - 11 tháng tại nhóm ngân hàng này phổ biến trong khoảng 6 - 6,1%/năm và 7,4%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.
Lý giải nguyên nhân này, một số chuyên gia cho rằng, lãi suất ngân hàng giảm nhẹ do trước đó vào cuối năm 2022 đã duy trì ở ngưỡng cao.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tiếp tục có các động thái bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Trong phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán, NHNN đã bơm ròng hơn 8.500 tỷ đồng ra thị trường qua thị trường mở.
Lãi suất cho vay khó giảm sớm
Theo các chuyên gia, trong trung hạn, lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng. Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc Fiin Ratings đánh giá, ngoài sức ép tăng lãi suất từ Fed, lãi suất trong nước còn tiếp tục nóng do các yếu tố nội tại, thanh khoản thị trường chưa thể sớm cải thiện do ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công, thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Với tác động kép của cả thị trường trong nước và thế giới, các chuyên gia phân tích của Fiin Group cho rằng, lãi suất trong nước chưa thể giảm ít nhất trong 6 - 12 tháng tới.
Ở góc độ người dân lựa chọn kênh đầu tư so với tiết kiệm, nếu lãi suất huy động tiếp tục duy trì như hiện nay (9 - 10%) thì các doanh nghiệp khó có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển. Bởi cách đơn giản nhất là người có tiền cứ tiếp tục gửi tiết kiệm ngân hàng với rủi ro thấp và mức hấp dẫn không kém đưa tiền vào kênh đầu tư. Ngoài ra, lãi suất huy động tăng thì áp lực lãi vay khó sớm giảm.
Trong báo cáo vĩ mô mới phát hành, Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, mặt bằng lãi suất trong nước có thể duy trì cao đến nửa đầu năm 2023, sau đó giảm dần vào năm 2024, khi Fed bắt đầu lộ trình giảm lãi suất. Riêng lãi suất điều hành dự báo ổn định năm nay. Lãi suất cho vay dự báo đạt đỉnh cuối quý I/2023, duy trì tới cuối năm trước khi giảm vào đầu năm 2024, tạo dư địa cho vay hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tập trung ở các nhóm ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân).
Hiện tại, NHNN đang nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua việc hỗ trợ hệ thống. Tuy vậy, khả năng chỉ khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp được khai thông, thanh khoản ngân hàng yếu được hỗ trợ kịp thời và khi các đợt tăng lãi suất của Fed kết thúc, thì lãi suất trong nước mới có thể bước vào chu kỳ hạ.