Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Fed tăng lãi suất: Tạo “bộ đệm” để giảm tác động tới nền kinh tế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong bối cảnh Fed tăng lãi suất thêm 0,25%, nâng lãi suất chính sách lên mức cao nhất trong vòng 22 năm và để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục có một đợt tăng lãi suất khác, ảnh hưởng đến các ngành kinh tế có sự khác nhau.

Chính sách tiền tệ linh hoạt hướng đến ổn định

Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25 - 5,5%, cao nhất kể từ năm 2001. Thông thường Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế DXY mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá của Việt Nam. Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động không đáng kể đến tỷ giá trong nước.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định: Đầu tiên là dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng tăng trong những năm qua. Theo số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD, như năm 2021 là 12,5 tỷ USD. Còn nếu theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư, trung bình 3 năm gần đây Việt Nam nhận lên tới 17-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Thứ hai, lạm phát tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với lạm phát ở Mỹ, nên việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước.

Theo TS Võ Trí Thành, việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại. Trong cả giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tạo được một nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá. Theo đó, phương thức điều hành tỷ giá của NHNN đã giúp cung - cầu ngoại tệ ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh, tạo sự thuận lợi lớn trong chính tiền tệ và điều hành tỷ giá năm 2023..

Trước đó, NHNN công khai thông tin đã bổ sung dự trữ ngoại hối khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỷ USD. Theo IMF, dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 ở mức 95 tỷ USD.

Thực tế, tỷ giá trên trên thị trường tuần qua vẫn khá yên ả. Trong tuần, tỷ giá trung tâm chỉ tăng nhẹ 0,01%, trong khi giá USD bán ra tại các ngân hàng cũng chỉ tăng 10 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm giữa VND/USD sáng 27/7 được NHNN công bố ở mức 23.736 VND/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua.

Dù nhận định Fed tiếp tục tăng lãi suất áp lực với tỷ giá dù không đáng kể song ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, vẫn cần theo dõi thêm. Tỷ giá đã chịu không ít áp lực và đồng nội tệ có một số dấu hiệu trượt giá sau khi NHNN liên tục hạ lãi suất điều hành, trong khi các Ngân hàng Trung ương khác vẫn chưa dừng thắt chặt tiền tệ.

“Chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam hiện ở mức khá cao, qua đó tạo áp lực rút vốn ra khỏi Việt Nam. Ngoài ra, đồng Việt Nam hiện còn chịu áp lực mang tính mùa vụ từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI”- các chuyên gia của SSI phân tích.

Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) sẽ có cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 19-20/9. Trong những dự báo kinh tế gần đây nhất từ các nhà hoạch định chính sách của FED, 12 trong số 18 thành viên đã dự đoán cần tăng lãi suất thêm ít nhất 0,25 điểm phần trăm nữa vào cuối năm nay.

Với lãi suất, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức từ 0,5-1,5%.  Giám đốc Economica Vietnam TS Lê Duy Bình đánh giá, tiếp tục sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế là điều thực sự cần thiết nhưng vẫn cần được thực hiện trên cơ sở thận trọng cân nhắc tới các chỉ số kinh tế vĩ mô khác như chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, tỷ giá hối đoái, hay mức thâm hụt ngân sách.

Đồng thời cũng cần phải thừa nhận một thực tế là giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân.

Tác động tới thị trường xuất khẩu

Trong khi đó, việc Fed tăng lãi suất buộc doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuẩn bị tâm thế "sống chung" với chuyện thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ và một số thị trường trọng điểm khác.

GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng nghiên cứu khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong điều kiện giá cả tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giá thành đầu vào của doanh nghiệp xuất khẩu có thể cao, dẫn đến khả năng bị thu hẹp thị trường.

Các ngành dệt may, nông sản… xuất khẩu đều giảm. Mới đây, ngành điều đã xin giảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu. Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, cho biết doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đang nỗ lực duy trì đơn hàng trong bối cảnh sức mua tại nhiều thị trường vẫn trên đà sụt giảm.

Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng chia sẻ, tiêu dùng hàng dệt may tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật giảm mạnh từ cuối năm 2022 đến nay và chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tiết kiệm chi phí, tìm thêm đơn hàng nhỏ lẻ, chấp nhận ký hợp đồng giá thấp… với mục tiêu phục hồi 70% - 80% năng lực sản xuất.

GS.TS Tô Trung Thành cho rằng, nhu cầu đầu ra của doanh nghiệp mới là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay. Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm và kinh tế quốc tế còn nhiều biến số khó lường, thì nền kinh tế và doanh nghiệp cần nhiều hỗ trợ hơn từ chính sách tài khoá, an sinh xã hội, xoá bỏ rào cản kinh doanh bất hợp lý. Cần phát huy vai trò của các bộ, ngành trong nước và thương vụ ở các sứ quán, lãnh sự ở nước ngoài trong công tác xúc tiến thương mại, giúp DN tiếp cận khách hàng.

TS Cấn Văn Lực cho rằng tín dụng bắt buộc phải tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp đó là 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế, gồm: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.