Lãi suất, tỷ giá tiếp tục tăng
Sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 2/11 tiếp tục nâng lãi suất tham chiếu thêm 75 điểm cơ bản, nhằm hạ nhiệt lạm phát cao nhất 40 năm. Đợt tăng 0,75% này đã kéo lãi suất của FED lên phạm vi 3,75 - 4%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.
Như vậy, từ đầu năm, FED đã tăng lãi tổng cộng 6 lần. Trong đó, 4 lần gần nhất đều nâng với mức 75 điểm cơ bản, trong các phiên họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.
Khi Ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất và chỉ số đồng USD tăng lên, gây áp lực cho các đồng tiền khác trên toàn cầu, trong đó có tiền đồng của Việt Nam. Từ đầu năm 2022, mặc dù Việt Nam vẫn có xuất khẩu ròng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dương, nhưng sức ép giảm giá đồng Việt Nam vẫn luôn thường trực. Hệ quả là NHNN đã có nhiều động thái để bình ổn tỷ giá từ việc bán ngoại tệ, tăng tỷ giá cho đến tăng lãi suất điều hành, và trần lãi suất 2 lần trong tháng 9 và tháng 10, với mức tăng rất lớn 1% là chuyện chưa có tiền lệ, nhằm kiểm soát lạm phát ở Việt Nam và ổn định tỷ giá.
Hiện, tỷ giá USD trên thị trường thế giới vẫn biến động mạnh. Đầu phiên giao dịch ngày 3/11 (theo giờ Việt Nam), thị trường thế giới đảo chiều tăng giá, theo đà tăng lãi suất của FED. Chỉ số Dollar Index (DXY) đứng ở mức 112,12, tăng 0,64%.
Thị trường trong nước, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên 8 - 9% đối với các kỳ hạn dài. Giá mua USD ngày 3/11 tại các ngân hàng nằm trong khoảng 24.561 - 24.714 VND/USD. Từ đầu năm tới nay, đồng Việt Nam đã giảm giá khoảng 8,5%.
Hiện nay Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát và khả năng lạm phát khoảng 4% là khả thi. Tuy nhiên, diễn biến cần lưu ý đó là khả năng FED cũng như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới còn tiếp tục tăng lãi suất khi mà giá cả, lạm phát vẫn ở mức cao.
Theo kế hoạch và đánh giá hiện tại của Mỹ, FED cần phải tăng lãi suất chính sách lên vùng xoay quanh 4,4% trong khi mức lãi suất hiện nay là 3,75 - 4%, nghĩa là có thể còn phải tăng thêm 0,5% nữa từ nay đến cuối năm trong kỳ họp giữa tháng 12 của FED. Ngân hàng Trung ương châu Âu tuần trước đã tăng lãi suất 0,75% khi cố gắng kiềm chế lạm phát “nóng”.
TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, khi FED tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ biến động theo. Để kìm mức độ mất giá của VND, thì có thể dùng dự trữ ngoại hối hoặc tăng lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất điều hành cũng đã được tăng trong tháng 9 và tháng 10/2022, dự trữ ngoại hối đã chạm ngưỡng an toàn là 3 tuần nhập khẩu.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, NHNN có thể điều chỉnh tăng thêm 0,5 - 1% lãi suất điều hành trong 2 tháng cuối năm, vì đây là công cụ khả dĩ nhất để giảm bớt áp lực tỷ giá. Với tình hình thanh khoản hệ thống hiện tại và áp lực bên ngoài chưa chấm dứt, không loại trừ khả năng tiền đồng có thể mất giá 10 - 15% trong năm 2022.
Phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Việc USD lên giá mạnh đã làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Theo các chuyên gia, bối cảnh hiện nay phải phối hợp chính sách tiền tệ với tài khoá, ứng phó linh hoạt với nguy cơ lạm phát và suy thoái trên toàn cầu.
TS Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, kiềm chế lạm phát chúng ta đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng chính sách tỷ giá của NHNN, cùng với ổn định tỷ giá góp phần ngăn ngừa sự lan rộng của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam. Ở Việt Nam, tín dụng là kênh chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trước mắt, duy trì room tín dụng là rất quan trọng. TS Trương Văn Phước cho rằng, phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường cho rằng, chính sách tài khoá cần chung sức, chung vai nhiều hơn với chính sách tiền tệ. Hiện sức ép lên hệ thống ngân hàng rất lớn, trong khi nhiều nguồn lực chưa được khơi thông như chính sách tài khoá và giải ngân đầu tư công của Việt Nam còn dư địa rất nhiều. Chỉ vì chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả mà không phát huy được tác dụng của các chính sách tài khóa, từ đó dẫn đến áp lực dồn hết lên chính sách tiền tệ, tạo ra sự không lành mạnh trong hệ thống tài chính và rủi ro về chính sách.
Theo TS Võ Trí Thành, trong tình hình này, chính sách tiền tệ tiếp tục thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, ổn định tỷ giá hợp lý, lãi suất. Về phía Bộ Tài chính cần có chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Đồng thời rà soát giảm thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm…
Bộ KH&ĐT theo dõi, nắm sát tình hình, phản ứng kịp thời chính sách, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công thuộc chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời góp phần thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước…
Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN xác định trọng tâm của chính sách tiền tệ thời điểm này là phải đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, cho phép tỷ giá linh hoạt hơn và tăng lãi suất. Thị trường ngoại hối ổn định là vô cùng quan trọng, tạo niềm tin cho thị trường.
Từ thực tế điều hành, Thống đốc NHNN khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở sâu, tác động của thị trường tài chính thế giới tới trong nước là tất yếu, nên luôn sẵn sàng tâm thế ứng phó.