FED tăng lãi suất: Vàng, chứng khoán biến động, tiền đồng gặp thách thức

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vai trò là ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới và đồng USD đang là đồng tiền thanh toán rộng rãi trên toàn cầu, quyết định tăng lãi suất đồng USD của FED có tác động đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế, chứng khoán và các thị trường tiền tệ biến động theo.

Vàng tăng do lo ngại lạm phát, chứng khoán giằng co 1.350 điểm

Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 4/5, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất 50 điểm cơ bản nhằm khống chế lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm. Trước đó, FED đã tăng lãi suất chuẩn 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3/2022 vừa qua.

Thông thường, FED tăng lãi suất vàng sẽ mất điểm, song giá vàng mở phiên giao dịch sáng nay vẫn đà đi lên khi tăng thêm khoảng 16 USD/ounce, ở mức 1.887 USD/ounce, vì áp lực lạm phát. Chỉ số USD giảm xuống mức thấp trong một phiên sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết lạm phát quá cao, theo đó giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo ông Powell, mức tăng 0,5% sẽ tiếp tục được đưa ra bàn thảo trong những cuộc họp tới, song FOMC sẽ chưa xem xét đến mức tăng 0,75% trong tương lai gần. Giới phân tích tài chính cho rằng, giá vàng có thể một lần nữa phản ứng với lãi suất thực, nhưng lo ngại về lạm phát, rủi ro địa chính trị và tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ giúp vàng tăng trong ngắn hạn.

Đầu giờ sáng 5/5, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới giao dịch tại 1.884 USD/ounce, tăng 15 USD/ounce so cùng thời điểm hôm trước. Giá vàng giao tháng 6/2022 cũng tăng 1,5 USD/ounce, giao dịch lần cuối tại 1.871 USD/ounce.

Trong nước, giá vàng SJC được niêm yết mua vào phổ biến ở mức 69,65 triệu đồng/lượng và 70,35 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng mạnh khoảng 450.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. Thị trường vàng trong nước giao dịch khá trầm lắng. Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết: Lượng khách mua vào và bán ra sáng 5/5 có tỷ lệ là 45% khách mua vào và 55% khách bán ra. Giá vàng trong nước đang phục hồi nhẹ.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số Dow Jones tăng 932,27 điểm, tương đương tăng 2,81%, đạt 34.061,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,99%, đạt 4.300,17 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,19%, đạt 12.964,86 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2020 của cả S&P 500 và Dow Jones.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng đây chỉ là phản ứng nhất thời sau một tháng 4/2022 khốc liệt ở Phố Wall, khi chỉ số Nasdaq rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), và S&P 500 rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction market). Đầu tuần này, cả hai chỉ số cùng rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.

TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, FED tăng lãi suất sẽ giúp đồng USD lên giá, nhưng có 2 vấn đề xảy ra là khiến sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Việc tăng giá lãi suất sẽ làm tăng chi phí của tất cả các hình thức vay, từ thế chấp thẻ tín dụng cho đến vay mua hàng tiêu dùng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ và hoạt động kinh doanh.

Mục tiêu của FED là tạo một "cú đáp mềm", kiềm chế lạm phát trong khi tránh sự thu hẹp của hoạt động kinh tế, và ông Powell cho rằng điều này là khả dĩ. Tuy vậy, giá hàng hóa tăng vọt, các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, biện pháp phong tỏa để phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine và đồng USD mạnh hơn, tất cả những yếu tố này xuất hiện cùng lúc khiến nhà đầu tư không khỏi lo ngại về nguy cơ kinh tế thế giới có thể một lần nữa rơi vào suy thoái.

TTCK Việt Nam tạm dừng phiên sáng 5/5, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,85 điểm (0,06%), xuống 1.347,83 điểm; HNX-Index giảm 0,27%, xuống 359,98 điểm và UPCom-Index giảm 0,2%, xuống 103,82 điểm. Thanh khoản toàn thị trường ở mức khá thấp với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 9.000 tỷ đồng.

Các công ty chứng khoán nhận định, xu hướng ngắn hạn giảm vẫn đang chiếm ưu thế, nên đa số nhà đầu tư đứng ngoài quan sát. Với một số nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn thì có thể mua tỷ trọng thấp, ưu tiên giải ngân các cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt, trong đó dòng cảng biển được chú ý hơn cả.

Tỷ giá tăng nhẹ, lãi suất tăng trở lại

Ngay sau khi FED tăng lãi suất, ngày 5/5, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố là 23.128 VND/USD, đứng yên so với ngày trước đó. Còn tại một số ngân hàng tăng giá USD lên 15 đồng so với ngày hôm qua. Vietcombank mua vào là 22.800 VND/USD và bán ra 23.110 VND/USD.

Trước sức ép tăng giá của USD trên thị trường quốc tế, một số dự báo của tổ chức quốc tế cho rằng, các đồng tiền trong khu vực nói chung và tiền đồng nói riêng sẽ chịu áp lực giảm giá lớn hơn trong năm nay.

Đối với Việt Nam, TS Cấn Văn Lực đánh giá, tỷ giá năm nay sẽ gặp nhiều áp lực hơn năm ngoái, song vẫn ở trạng thái tương đối ổn định. Trong 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước, kiều hối tăng mạnh. Với quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao đạt mức gần 110 tỷ USD, gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước năm 2010. Dự trữ ngoại hối cao giúp củng cố an ninh quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, kiều hối tăng cao, cán cân thanh toán thặng dư, trong 4 tháng đầu năm, xuất siêu 2,53 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước… là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho NHNN giữ ổn định tỷ giá.

“Nhiều năm qua, NHNN vẫn điều hành, kiểm soát tỷ giá linh hoạt. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam dồi dào, nên khả năng tỷ giá tiền đồng chỉ tăng nhẹ trong những tháng còn lại của năm tài chính 2022” - TS Cấn Văn Lực phân tích.

Trong những tuần qua nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi trở lại, trong khi lãi suất thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước. PGS TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, kịch bản tốt nhất hiện nay đối với Việt Nam là duy trì lãi suất hiện tại, không để gia tăng theo lãi suất của FED, thực hiện nhanh gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh.

 

Việc FED tăng lãi suất sẽ có tác động đến Việt Nam nhưng không nhiều, vì cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư đã dự báo được trước vụ việc này. Song vẫn phải cẩn trọng với hành động của FED từ nay đến cuối năm. Nếu FED tăng lãi suất nhiều lần với cường độ mạnh, thì chắc chắn tỷ giá trong nước khó tránh khỏi tác động tâm lý. Nếu Việt Nam có thể thành công trong việc giữ lạm phát trong tầm mục tiêu kiểm soát, đó không chỉ là cơ sở giúp ổn định lãi suất mà còn là câu chuyện tỷ giá.

TS Cấn Văn Lực

Hiện NHNN vẫn chưa có bất kỳ động thái tăng trần lãi suất cũng như siết cung tiền, ngoài lĩnh vực bất động sản. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú mới đây đã công bố, tín dụng của nền kinh tế đến cuối tháng 4/2022 tăng trưởng 6,75% so với cuối năm ngoái. Theo ông Đào Minh Tú, con số này cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế. Tốc độ tín dụng cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái là tín hiệu khả quan, chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi tích cực.

Riêng tín dụng vào bất động sản không có biến động nhiều kể từ đầu năm nay tới nay, chiếm gần 20% trong tổng dư nợ. Phó Thống đốc NHNN công nhận con số này không cao mà thấp hơn so với giai đoạn trước (tăng 28%). Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong cả năm, NHNN điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.