Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Fed tăng lãi suất, xuất khẩu gỗ sang Mỹ thêm áp lực

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thị trường Mỹ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gỗ Việt Nam, nhưng nhu cầu của thị trường này đang chịu nhiều áp lực từ lạm phát. Fed tăng lãi suất, đặt ra thách thức đối với hoạt động xuất khẩu – kinh doanh của DN gỗ những tháng cuối năm.

Nhu cầu giảm do lạm phát và lãi suất tăng

Kể từ năm 2018, sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá (183,36%) và thuế chống trợ cấp (từ 22% đến 194,9%) đối với các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc. Điều này đã thúc đẩy thị trường Mỹ tích cực nhập khẩu các mặt hàng G&SPG từ Việt Nam. Sau 4 năm kể từ sự kiện trên diễn ra, kim ngạch xuất G&SPG của Việt Nam sang Mỹ tăng gần gấp 2,5 lần, từ 3,6 lên tới 8,8 tỉ USD và với mức tăng trưởng kép chạm ngưỡng 25,04%.

Năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam vẫn đạt 14,12 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm trước đó. Năm 2021, Mỹ giữ vững ngôi vị thị trường xuất khẩu số một của ngành gỗ Việt Nam, với kim ngạch từ thị trường này đạt 8,8 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ.

Sản xuất hàng gỗ dán của một doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trần Dũng
Sản xuất hàng gỗ dán của một doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trần Dũng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, trị giá xuất khẩu G&SPG trong tháng 8/2022 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 65% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu G&SPG ước tính đạt 11,07 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tính riêng thị trường Mỹ, tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG trong 8 tháng đạt hơn 6,2 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gỗ.

Phân tích của các chuyên gia Công ty chứng khoán Tân Việt chỉ ra, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ giảm, bởi thị trường này đang giảm doanh thu về việc mua nhà. Từ đầu năm đến nay, doanh số bán nhà tại Mỹ đã có 7 tháng giảm liên tiếp trên thị trường, từ vùng cao 6.5 triệu USD hồi tháng 1 về đến vùng thấp 4.81 triệu USD tại tháng 7. Sự suy giảm doanh số bán nhà này bắt nguồn từ việc lạm phát tại Mỹ tăng cao kỷ lục và Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc tăng lãi suất này gián tiếp kéo theo lãi suất tín chấp mua nhà tại Mỹ (tạo đỉnh 5.8% với mức vay mua nhà 30 năm). Thời gian tới, Fed tiếp tục giữ quan điểm nâng lãi suất và giữ ở mức cao để kiềm chế lạm phát thì nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ tại đây có thể tiếp tục giảm, ảnh hưởng tiêu cực các đến các công ty xuất khẩu từ Việt Nam.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị cho biết, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ nói chung và sang Mỹ nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do tác động của xung đột Nga – Ukraine khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, chi phí tăng. Đặc biệt, trong các thị trường chủ lực nhập khẩu sản phẩm G&SPG của Việt Nam hiện có thị trường Mỹ giảm nhập khẩu nhưng lại chiếm tỷ lệ cao nhất, khiến cho kết quả xuất khẩu toàn ngành bị ảnh hưởng.

Chuyển hướng khai thác thêm thị trường trong nước

Chia sẻ về những khó khăn của DN, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – Đỗ Xuân Lập cho biết, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ Việt. Do đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm làm cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm.

Ông Đỗ Xuân Lập thông tin thêm, việc Bộ công thương Hoa Kỳ (DOC) điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, dự báo sẽ tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu G&SPG sang Mỹ trong nửa cuối năm. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dừng thanh khoản các sản phẩm gỗ lẩn tránh thuế nói riêng và giảm thanh khoản sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, DOC cũng hỗ trợ các DN Việt Nam xuất khẩu gỗ cơ chế tự xác nhận sản phẩm, giúp cho các DN lớn (như ACG, PTB, ...) đảm bảo được chất lượng sản phẩm xuất khẩu có thể duy trì được hoạt động kinh doanh.

“Trước sức ép về giảm doanh thu xuất khẩu do lạm phát, Fed tăng lãi xuất và biến động kinh tế thế giới, chúng tôi kỳ vọng các yếu tố tăng trưởng từ thị trường nội địa sẽ hỗ trợ DN ngành gỗ” – ông Đỗ Xuân Lập kỳ vọng.

Công ty CP Gỗ An Cường là một trong những DN ngành gỗ có quy mô lớn nhất trên sàn. DN trên hiện đang lấy thị trường Mỹ làm trọng tâm trong chiến lược xuất khẩu, chiếm 51% doanh thu xuất khẩu của công ty. Theo lãnh đạo Công ty Gỗ An Cường, công ty không xuất khẩu ván ép do đó, DN không bị ảnh hưởng từ các cuộc điều tra thuế của Bộ Thương mại Mỹ trong việc yêu cầu các nhà sản xuất Việt Nam chứng minh tủ gỗ và ván ép không phải là hàng trung chuyển hoặc được làm bán thành phẩm từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trước những khó khăn từ thị trường Mỹ, Công ty đang tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa khi doanh thu xuất khẩu chỉ đạt mức 306 tỉ đồng (tương đương 16.3% tổng doanh thu).

Phân tích về cơ hội khai thác thị trường nội địa với ngành gỗ, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Tân Việt chỉ ra tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản; sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa cao; xu hướng sử dụng đồ gỗ công nghiệp trong thiết kế nội thất…