Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Fintech hứa hẹn “bùng nổ” tại Việt Nam

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Công nghệ tài chính kỹ thuật số (Digital financial technology), hay còn gọi là Fintech đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việt Nam được coi là “miền đất hứa” để các công ty Fintech trong và ngoài nước nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình.

Đứng thứ 3 khu vực về thu hút vốn

Fintech trong giai đoạn hiện nay đang phát triển rất mạnh mẽ. Có thể kể đến một số mảng trong lĩnh vực này như: Thứ nhất, là thanh toán điện tử đang trên đà tăng trưởng trong đó có các tổ chức lớn như: Momo, VNpay, Shopeepay hay Zalopay, ngay cả Viettelpay cũng đang chuyển đổi sang Viettel Money để phù hợp với nhu cầu người dùng. Điều đó cho thấy, thị trường trong giai đoạn này đang rất sôi nổi và người dân cũng dễ dàng sử dụng một ví điện tử nào đó cho thanh toán online, thanh toán trong các sinh hoạt, mua sắm hằng ngày.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngày 12/10, TS. Nguyễn Quốc Hùng -Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Tuy mới xuất hiện nhưng các doanh nghiệp (DN) Fintech Việt Nam phát triển rất nhanh về số lượng và quy mô. Nếu như thời điểm năm 2008 mới có những DN Fintech đầu tiên được ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động, và cũng mới chỉ hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực trung gian thanh toán, chuyển tiền, thì đến thời điểm này, theo Vụ Thanh toán (NHNN), số lượng các DN Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng gần 4 lần với hơn 150 DN, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo bảng xếp hạng trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm Fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó TP Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo của UOB và Hiệp hội Fintech Singapore công bố vào giữa tháng 11/2021 cho thấy, Việt Nam hiện đã vươn lên đứng thứ 3 trong số các quốc gia khu vực ASEAN về khả năng thu hút vốn vào các dự án khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech).

Ông Hùng nhận định, đây là thành quả đáng khích lệ với một thị trường Fintech non trẻ như Việt Nam, cho thấy chúng ta đã có sự phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian gần đây. Xu hướng này sẽ còn được tiếp tục khi theo dự báo của NHNN, giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025.

Tiềm năng phát triển Fintech của Việt Nam rất lớn bởi thói quen mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ của khách hàng đang thay đổi rất nhanh chóng; Thứ hai, xu hướng sử dụng các tiện ích trên thiết bị di động thông minh tiếp tục phát triển mạnh và các Fitech không ngừng mở rộng hợp tác, đồng bộ hóa và tự động hóa… Có thể nói rằng, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực Fintech dựa trên những lợi thế về quy mô dân số và nguồn nhân lực am hiểu công nghệ thông tin.

Fintech – ngân hàng tích cực hợp tác

Lĩnh vực Fintech sẽ không thể phát triển một cách độc lập và bền vững nếu tách rời sự phát triển của hoạt động ngân hàng truyền thống. Sự kết hợp giữa hai chủ thể ngân hàng - Fintech sẽ rất có lợi, tạo ra sức mạnh cho thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế.

Nếu các ngân hàng bắt tay với Fintech để biến Fintech trở thành cánh tay nối dài tới những đối tượng chưa tiếp cận dịch vụ truyền thống (unbanked) thì sẽ mang lại những trải nghiệm tốt, linh hoạt, nhiều tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ đắc lực cho phổ cập tài chính (financial inclusion) sâu rộng hơn.

Đã có rất nhiều mô hình thành công khi ngân hàng kết hợp cùng Fintech. Như ShinhanBank và Grab để cung cấp các dịch vụ vận chuyển và đi lại bằng xe hơi; hợp tác giữa VietinBank và Opportunily Network (Anh) để kết nối khách hàng trực tuyến trên các nền tảng số hóa. Các NHTM khác như: CIMB Vietnam, VPBank, OCB, TPBank thời gian qua cũng đã lần lượt hợp tác với các Fintech nước ngoài, Toss của Hàn Quốc, BE Group của Thụy Điển và RippleNet của Hoa Kỳ…

Ông Nguyễn Hữu Quang - Tổng Giám đốc Cake by VPBank, cho biết VPBank đã kết hợp cùng ứng dụng gọi xe Be và cho ra đời Ngân hàng số Cake by VPBank. Nhờ việc ứng dụng các công nghệ mới, chỉ trong 20 tháng, ngân hàng số này đã có 2,3 triệu khách hàng, một con số đáng mơ ước mà ngân hàng truyền thống có khi phải mất tới 20 năm để đạt được.

Trên thực tế, các công ty Fintech mặc dù có ưu thế về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo, đột phá dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho người sử dụng và xã hội, nhưng lại ít kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hệ thống kiểm soát tuân thủ nội bộ không đủ mạnh, cũng như mạng lưới khách hàng hạn chế hơn; trong khi đó, các ngân hàng truyền thống lại có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực có nhiều kinh nghiệm, hạ tầng công nghệ thông tin và thanh toán được đầu tư lớn…

Ngoài ra, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển Fintech. Bên cạnh Fintech trong lĩnh vực thanh toán (chiếm khoảng 60% các công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam) đã hoạt động ổn định, những lĩnh vực Fintech mới (như huy động và cho vay ngang hàng, tài chính cá nhân, hỗ trợ định danh khách hàng điện tử…) cũng sẽ phát triển khi khung pháp lý điều chỉnh cho các hoạt động này được hoàn thiện.

Hiện, khuôn khổ pháp lý cho Fintech ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng cho lĩnh vực thanh toán, các nhánh hoạt động khác của Fintech chưa có khung pháp lý điều chỉnh, do vậy hoạt động của các doanh nghiệp Fintech hiện tại đang diễn ra “tự phát” mà không có sự can thiệp hay quản lý từ các cơ quan chức năng (ví dụ: việc kinh doanh các sàn giao dịch tiền ảo, cung ứng ví tiền ảo…).

Với các thuận lợi về mặt thị trường, công nghệ, cùng nhiều yếu tố khác, làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư mạo hiểm (VCs) nước ngoài vào các công ty Fintech ở Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, cũng như sự gia nhập thị trường Việt Nam của các công ty Fintech nước ngoài khi họ nhận thấy tiềm năng của thị trường và những hành động chính sách cụ thể của NHNN trong việc thúc đẩy thị trường nói chung và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp nói riêng.

Theo các chuyên gia, cần xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động Fintech theo cách tiếp cận mở, nhưng kiểm soát được rủi ro (cơ chế sandbox…); Ban hành các tiêu chuẩn, quy định về vấn đề chia sẻ và bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng, dịch vụ tài chính xuyên biên giới, an toàn hệ thống tài chính…; Tăng cường trao đổi, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giám sát những lĩnh vực mới, hoàn thiện thể chế, bộ máy quản lý Fintech (có bộ phận đầu mối, quản lý thống nhất…).

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng để các DN Fintech có cơ hội phát triển và phát triển đồng bộ. Đặc biệt, cần có các quy định về yêu cầu vốn, công nghệ, chuẩn mực hoạt động và quản lý rủi ro đối với các công ty muốn tham gia vào thị trường Fintech.