Bộ Tài chính cho biết việc cải thiện triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức Tích cực thể hiện ghi nhận của Fitch đối với thành quả của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện chất lượng và hiệu quả điều hành kinh tế.
Ảnh minh họa |
Nợ công của Việt Nam, theo tính toán của Fitch, cũng giảm xuống còn khoảng 58% GDP vào cuối năm 2018. Đây là kết quả được Fitch đánh giá cao trong bối cảnh chỉ tiêu nợ công tiệm cận mức trần 65% GDP được Quốc hội cho phép vào cuối năm 2016.
Theo Fitch, Việt Nam tiếp tục tập trung phấn đấu tạo nền tảng vĩ mô ổn định vững chắc hơn trong những năm tiếp theo, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh và chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất cũng như mở rộng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp cũng góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 sẽ khoảng 6,7%, trong mục tiêu từ 6,6-6,8% do Quốc hội đề ra.
Hơn nữa, theo Fitch, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi dưới tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong thời gian qua từ việc dòng thương mại chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc.
Tổ chức xếp hạng cũng nhìn nhận cơ chế tỷ giá hối đoái của Việt Nam được điều hành linh hoạt hơn, tuy vậy quy mô dự trữ ngoại hối so với nhu cầu thanh toán quốc tế vẫn thấp hơn trung vị của các nước với xếp hạng tín nhiệm quốc gia tương đồng. Những điểm yếu mang tính cơ cấu của khu vực ngân hàng tiếp tục là lý do Fitch đưa ra cho việc hệ số tín nhiệm quốc gia chưa ở mức cao hơn