KTĐT - Toàn bộ nhân viên FPT và gia đình tại đây đều bình an. Công ty FPT Japan tại Nhật không thiệt hại gì về tài sản và đã bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 14/3.
Toàn bộ nhân viên FPT Japan và gia đình tại Nhật vẫn bình an, công ty không thiệt hại về tài sản, song Tập đoàn đã lên kịch bản cho các tình huống khác nhau, trong đó trường hợp xấu nhất sẽ di dời về Việt Nam.
Theo thông tin từ Tập đoàn FPT, FPT hiện có hơn 130 nhân viên đang công tác, làm việc tại Nhật, khu vực Tokyo và Osaka. Toàn bộ nhân viên FPT và gia đình tại đây đều bình an. Công ty FPT Japan tại Nhật không thiệt hại gì về tài sản và đã bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 14/3.
Ngày 15/3, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã dẫn đầu một đoàn công tác sang Nhật Bản. Ông Bình sẽ gặp gỡ các đối tác như Hitachi Solution, Softbank Investment, NTT Data Financial Core, Fujifilm trong chuyến công tác này.
Đối với khách hàng Nhật Bản, FPT vẫn giữ liên lạc và đảm bảo đội ngũ nhân viên làm việc cho khách hàng tại Nhật Bản. Tại Việt Nam, công ty cũng đang làm các dự án đã cam kết với khách hàng. Hầu hết khách hàng của FPT tại Nhật đã hoạt động bình thường trở lại và khẳng định sẽ tiếp tục đặt hàng cũng như các chuyến thăm và làm việc với FPT sau động đất.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho rằng, thời điểm khó khăn cũng là lúc khẳng định bản lĩnh của mình. Kinh doanh không chỉ trong điều kiện thuận lợi mà còn phải chia sẻ và đứng vững trong khó khăn. "Điều quan trọng là mọi người bình tĩnh, có kỷ luật trước nhiều thông tin có thể gây nhiễu loạn. Quan điểm của FPT là tuân thủ khuyến cáo hành động của chính phủ Nhật Bản, cam kết cùng chia sẻ khó khăn với khách hàng Nhật Bản”, ông Bình nói.
Để đối ứng và bảo đảm an toàn cao nhất cho nhân viên tại Nhật Bản, Ban Lãnh đạo FPT tại Việt Nam và Công ty FPT Japan tại Nhật đã thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó với thiên tai Nhật Bản do ông Trương Gia Bình là Tổng chỉ huy, ông Ogawa Takeo, Giám đốc Công ty cổ phần FPT Nhật Bản chịu trách nhiệm chỉ huy tại Nhật Bản.
Ban Chỉ đạo sẽ thực hiện 3 mục tiêu hành động là bảo đảm an toàn cho cán bộ nhân viên FPT cũng như gia đình tại Nhật Bản đồng thời chia sẻ khó khăn với khách hàng và cam kết thực hiện các dự án đang triển khai. Chủ động đánh giá và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty.
Ban Chỉ đạo cũng đã chuẩn bị kịch bản cho các tình huống khác nhau, theo 3 cấp độ. Trước hết là mọi thành viên vẫn làm việc tại chỗ chỉ thay đổi cách thức làm việc. Mức độ 2 sẽ là di dời ra khỏi khu vực Tokyo. Mức độ 3 cao nhất sẽ là di dời về Việt Nam. Theo đó, nếu tình huống này xảy ra, Vietnam Airlines đã xác nhận sẽ hỗ trợ FPT chuẩn bị phương tiện, vé máy bay. Hiện tại, FPT đánh giá công ty vẫn đang ở cấp độ 1.
Ban Chỉ đạo đã thành lập bộ máy trực chiến và cơ chế liên lạc thường xuyên, cập nhật thông tin theo giờ và di dời khi cần thiết. Ban Chỉ đạo cũng thường xuyên liên lạc với đại sứ quán Việt Nam tại Nhật cũng như các nhà khoa học về hạt nhân và phóng xạ nhằm giải đáp các lo lắng của nhân viên.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, hiện có khoảng 3.250 doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên có quan hệ thương mại và đầu tư tại Nhật Bản. Tuy nhiên, số doanh nghiệp có công ty con, công ty liên doanh hay có văn phòng đại diện tại Nhật Bản hiện không nhiều, dưới 80 đơn vị (không kể các doanh nghiệp của Việt kiều tại Nhật). Trong đó đáng kể nhất là Công ty FPT Japan (có trên 100 nhân viên là người Việt Nam).
Đại bộ phận các đơn vị nêu trên đều ở Tokyo và lân cận, khu vực Osaka-Kobe. Trong đó Tokyo và lân cận là nơi chịu ảnh hưởng của trận động đất vừa qua và dư chấn đang xảy ra. Khu vực Osaka-Kobe do xa tâm chấn nên không chịu ảnh hưởng gì đáng kể.