Hội thảo thách thức trong năm 2013 hướng tới Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã được tổ chức vào ngày 29/11 tại Hà Nội nhằm cập nhật thông tin về cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cho các doanh nghiệp.
Theo Tham tán công sứ EU Jacques Bouflet, thỏa thuận FTA giữa Việt Nam và EU sẽ mở thêm cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam tiếp cận được thị trường EU với 500 triệu người tiêu dùng, GDP khoảng 17.000 tỷ USD/năm, trong đó lợi ích nhìn thấy rõ nhất là loại bỏ các rào cản về thuế quan.
Theo dự kiến, sau khi Hiệp định FTA giữa hai bên được thông qua thì sẽ có ít nhất 90% hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ được “tự do” lưu thông khi mức thuế đưa về 0%.
Còn hiện tại, theo quan chức của Vụ chính sách đa biên (Bộ Công Thương), nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU đang chịu mức thuế cao, trung bình của mặt hàng giầy dép và dệt may là 12%, thủy sản là 10%. Nếu Hiệp định FTA được ký kết sau 2 năm tới thì mức thuế của các mặt hàng này có thể sẽ là 0%.
“Chúng tôi kỳ vọng, sản phẩm xuất khẩu sang EU của Việt Nam như may mặc, đồ gỗ, nông sản,… sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ tương tự kết quả sau hiệp định FTA giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã thực thi”, đại diện của EU chia sẻ.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng đầu năm nay, EU là thị trường đứng đầu nhập khẩu mặt hàng giầy dép các loại từ Việt Nam với trị giá 2,08 tỷ USD, tăng 2,2% và chiếm 35,7% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam; đứng thứ 2 về nhập khẩu dệt may (1,98 tỷ USD), thủy sản (954 triệu USD).
Tính chung trong 9 tháng đầu năm nay, EU đã nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với trị giá 14,4 tỷ USD và là thị trường lớn thứ hai nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, sau Hoa Kỳ.
Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU được khởi động vào tháng 6/2012 và tiếp đó là vòng đàm phán đầu tiên vào tháng 10/2012 vừa qua. Việt Nam là quốc gia thứ 3 trong khu vực ASEAN thực hiện đàm phán FTA với EU, sau Singapore và Malaysia. Quốc gia tiếp theo có thể là Thái Lan và Philippines.