G-20 và bài toán việc làm ổn định

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả của nghiên cứu về "Triển vọng việc làm ngắn hạn và thị trường việc làm tại Nhóm các nền kinh tế phát triển, mới nổi (G-20), và những thách thức" với cảnh báo:

Suy thoái kinh tế thế giới có thể dẫn tới tình trạng thiếu việc làm trầm trọng tại các quốc gia thuộc Nhóm G-20 trong năm tới.

Bài toán khó

Theo kết quả nghiên cứu vừa công bố, tỉ lệ tăng trưởng việc làm trong G-20 cần phải đạt 1,3%/năm mới mong bù lại 20 triệu việc làm đã mất trong nhóm nước G-20 kể từ đầu cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 tới nay. Tuy nhiên, các chuyên gia của ILO và OECD đang lo ngại về khả năng tỉ lệ tăng trưởng việc làm trong G20 có thể không đạt mức 1%, mà chỉ vào khoảng 0,8% vào cuối năm 2012, dẫn tới sự thiếu hụt 40 triệu việc làm chỉ trong năm 2012 trong G-20 và tình hình nghiêm trọng hơn có thể diễn ra vào năm 2015.

Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia cho rằng, cộng đồng quốc tế cần hợp tác trên quy mô toàn cầu để giải quyết vấn đề thiếu việc làm nhằm tránh cho thế giới nguy cơ rơi trở lại suy thoái. Bởi sự trì trệ của nền kinh tế thế giới đã làm chậm lại nhịp độ tăng việc làm với mức tăng chưa đầy 0,8%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của lực lượng lao động. Theo Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Thế giới (IMFC) - cơ quan hoạch định chính sách của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế thế giới sẽ phải đương đầu với bốn thách thức chính, bao gồm rủi ro khủng hoảng nợ công, sự mong manh của hệ thống tài chính, tăng trưởng kinh tế ngày càng yếu ớt và tỉ lệ thất nghiệp cao.

Để đối phó với thách thức này, trong hai ngày 26-27/9 tại Paris, Pháp các Bộ trưởng Lao động và việc làm G-20 đã nhóm họp nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng việc làm ổn định và tuân thủ các nguyên tắc, luật cơ bản về việc làm cũng như tăng cường phối hợp chính sách đa phương về việc làm.

Ưu tiên việc làm và bình đẳng giới

Đây là khẳng định của Ủy ban Phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/9 trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới và thất nghiệp gia tăng. Theo Chủ tịch WB, Robert Zoellick, các cổ đông của WB đã kêu gọi cộng đồng thế giới tư duy bình đẳng trong đó, ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự phát triển của WB là việc làm và bình đẳng giới. Trong tuyên bố của mình, Ủy ban Phát triển của WB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm trong tiến trình chuyển các thành tựu phát triển vào cuộc chiến chống đói nghèo và mở ra các cơ hội kinh tế khả thi và đồng loạt cho người nghèo và các nước đang phát triển. Theo WB, ưu tiên tạo việc làm cần được thể hiện bằng chính sách và các biện pháp thúc đẩy tăng đầu tư vào nền kinh tế và cải cách các dịch vụ tài chính toàn cầu, củng cố tài chính. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển vượt qua khủng hoảng lương thực để đạt tăng trưởng bền vững, mạnh mẽ, cân bằng và bao quát.

Cam kết hành động

Trước đó, trong tuyên bố bên lề Hội nghị thường niên của IMF và WB, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng T.Ư G-20 đã cam kết hợp tác giải quyết các thách thức mới nảy sinh đang đe dọa đẩy nền kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. Các nhà hoạch định chính sách G-20 đã nhấn mạnh sự cấp thiết phải phản ứng phối hợp và mạnh mẽ để vượt qua các thách thức hiện nay, đồng thời giúp châu Âu kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ công. Tuyên bố cho biết, Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) sẽ hành động sớm vào đầu tháng 10 tới để xử lý các nguy cơ đe dọa tăng trưởng. Biện pháp giảm lãi suất và gia hạn các khoản nợ dài hạn cho các ngân hàng có thể là các giải pháp được lựa chọn. G-20 cho rằng, sự dễ vỡ của hệ thống tài chính và các nguy cơ suy thoái xuất phát từ nợ công là mối đe dọa tăng trưởng, vì vậy, các ngân hàng châu Âu cần được tăng nguồn vốn thích hợp và tiếp cận các nguồn tài chính kích thích kinh tế.

Trong một động thái khác, WB và IMF cũng cam kết sẽ làm hết sức có thể để hỗ trợ các nước thành viên đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện. Thông cáo của WB và IMF nêu rõ sự hỗn loạn hiện nay trên các thị trường tài chính toàn cầu và sự căng thẳng tài chính lan rộng đang gây rủi ro cho khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới và những thách thức nghiêm trọng cho tất cả các nước, đặc biệt đối với các nước nghèo. Theo đó, WB và IMF tái cam kết sẽ góp phần tạo nhiều công ăn việc làm thông qua việc thúc đẩy các khu vực tư nhân, vì đây chính là yếu tố then chốt của tăng trưởng.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần