Dù các thành viên của G20 thừa nhận, bảo hộ thương mại là con dao hai lưỡi khi vừa bảo vệ nền kinh tế trong nước vừa khiến những nỗ lực đấu tranh cho tự do thương mại vào ngõ cụt nhưng rất khó để đạt được một tiếng nói chung sau hội nghị lần này. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà lãnh đạo G20 muốn thảo luận về chủ đề gai góc này khi cuối năm nay, hai thỏa thuận được thông qua vào năm 2010 về cấm bảo hộ thương mại là Quyết định của các nhà lãnh đạo G20 được thông qua tại Toronto và Quyết định của Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Yokohama sẽ hết hiệu lực. Thời điểm đó, hầu hết các nước đều nhất trí không gia tăng rào cản đối với thương mại, không áp dụng những hạn chế mới và các biện pháp đặc biệt nhằm đẩy mạnh xuất khẩu từ nước mình bằng những phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc đối đầu thương mại đã không ngừng gia tăng giữa các thành viên trên thị trường toàn cầu, giữa các nước G20 với nhau như Mỹ cấm tiêu thụ một số sản phẩm loại điện thoại thông minh và máy tính bảng của Samsung (Hàn Quốc). Ngay trong Liên minh châu Âu (EU) cũng xuất hiện các biện pháp bảo hộ thương mại như Pháp đã cấm nhập khẩu một số mẫu xe Mercedes mới của Đức với lý do khá vô lý là điều hòa của loại ô tô này có sử dụng chất phản ứng không có giấy phép của Ủy ban châu Âu. Vì thế, khi mà thời hạn của các quyết định cấm đối đầu thương mại sắp hết hiệu lực, nhiều nhà quan sát cho rằng, các thành viên G20 sẽ đều tuyên bố ủng hộ lệnh cấm bảo hộ nhưng sau đó sẽ tìm cách “né tránh” lệnh cấm này. Nguyên nhân chủ yếu là do, kinh tế Mỹ còn gặp nhiều khó khăn, tình hình tại Trung Quốc cũng không mấy sáng sủa, châu Âu vẫn chìm trong nợ công khiến xu hướng đẩy mạnh bảo hộ thương mại là cách duy nhất để những nước này bảo vệ nền kinh tế trong nước. Và vấn đề đối đầu mậu dịch, đảm bảo thị trường toàn cầu được vận hành tự do sẽ tiếp tục là bài toán khó của nền kinh tế thế giới.
Tin đọc nhiều

Lãnh đạo Quảng Nam chia sẻ về khả năng tái sáp nhập với Đà Nẵng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ và 7 lãnh đạo sở xin nghỉ hưu sớm

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh: năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng 8%

Hai quy hoạch được ban hành mở ra không gian phát triển mới cho Thủ đô
