Liên quân Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ hỗ trợ một đứa trẻ trong cuộc sơ tán tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, ngày 20/8. Ảnh: AFP |
Tại thủ đô Kabul, nhiều quốc gia châu Âu đang nỗ lực để đưa người dân của họ về nhà, và những người Afghanistan tuyệt vọng tập trung tại sân bay vì sợ bị trả thù sau khi các tay súng Taliban giành quyền kiểm soát đất nước hồi tuần trước.
Điều này dẫn đến một cảnh tượng hỗn loạn tại sân bay, nơi khoảng 20 người đã bỏ mạng trong một đám đông tranh giành nhau để được lên máy bay ra nước ngoài trước khi Mỹ và đồng minh rút quân.
Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, cuộc họp khẩn cấp của G7, do London chủ trì, sẽ tập trung vào các nỗ lực sơ tán và tương lai lâu dài của Afghanistan.
"Ưu tiên hàng đầu là hoàn thành việc sơ tán công dân và những người Afghanistan đã ủng hộ nỗ lực của chúng tôi trong 2 thập kỷ qua, nhưng với một cách tiếp cận thống nhất khi cộng đồng quốc tế hướng tới giai đoạn tiếp theo", nhà lãnh đạo Anh nói.
Nhóm 7 nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tái khẳng định cam kết bảo vệ các lợi ích đạt được ở Afghanistan trong 2 thập kỷ qua, đặc biệt liên quan đến giáo dục của trẻ em gái và quyền của phụ nữ.
Theo các nguồn tin của Anh, cuộc họp do London chủ trì cũng sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế tiềm năng, và việc liệu có nên từ chối hỗ trợ nếu Taliban vi phạm nhân quyền hoặc cho phép lãnh thổ của họ được sử dụng làm nơi trú ẩn cho các phần tử cực đoan hay không.
Theo các nguồn tin ngoại giao của Reuters, G7 cũng cần thống nhất xem đã đến lúc chính thức công nhận Taliban là thủ lĩnh quốc gia hay chưa. Nhưng vấn đề sơ tán có khả năng vẫn chiếm ưu thế trong cuộc thảo luận. Taliban đã tuyên bố hạn chót ngày 31/8 là "giới hạn đỏ" của lực lượng này.
Trước cuộc họp G7, Thủ tướng Anh được cho đã thảo luận với Tổng thống Mỹ về khả năng cho phép tất cả những người đủ điều kiện rời Kabul được phép di tản "ngay cả sau những giai đoạn sơ tán ban đầu".
20 năm sau cuộc tấn công vào Afghanistan của lực lượng do Mỹ dẫn đầu nhằm đánh đuổi Taliban sau vụ khủng bố 11/9, phương án rút quân đang là nguyên nhân làm căng thẳng giữa Washington và các đồng minh phương Tây.
Trong phiên họp khẩn cấp của Quốc hội Anh vào tuần trước, các nhà lập pháp nước này, bao gồm nhiều thành viên cấp cao của Đảng Bảo thủ cầm quyền, đã lên án phản ứng của ông Biden, trong khi cựu Thủ tướng Tony Blair gọi kế hoạch của Mỹ là "tàn nhẫn".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, ít có khả năng quân đội Anh tiếp tục di tản sau khi quân đội Mỹ rời đi. Pháp cho biết họ cần thêm thời gian để sơ tán, trong khi Ngoại trưởng Đức hôm 23/8 cho biết G7 cần xem xét liệu họ có nên ở quá thời hạn mà Mỹ đặt ra hay không.