Theo đó, từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 540.000 vụ việc, với tổng số tiền thi hành đạt trên 75.000 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị thi hành án thu hồi gần 16.000 tỷ đồng đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong những vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, thu trên 22.000 tỷ đồng các khoản nợ của tổ chức tín dụng. Con số này gấp gần 3 lần mức thu hồi của năm 2021.
Theo Chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Phan Huy Hiếu, tài sản trong một vụ việc bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau, nên cơ quan thi hành án phải ủy thác, chờ nhiều khâu, giai đoạn mới thực hiện được việc thu hồi. Tuy nhiên, sau khi ban hành luật sửa đổi bổ sung, việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và tín dụng ngân hàng đạt hiệu quả hơn. Đơn vị thi hành án gửi thông tin các đương sự trong vụ án để tra soát việc đăng ký tài sản ở các địa phương. Mục đích để lọc ra những tài sản mà đương sự che giấu, từ đó tìm ra rất nhiều tài sản.
“Trước đây, một số bản án khi tuyên về phần tài sản, chỉ dựa theo lời khai của đương sự. Trong khi đó, cơ quan điều tra mải tập trung vào việc chứng minh tội phạm, nên chưa quan tâm đến công tác xử lý tài sản của người phạm tội. Tuy nhiên, sau khi Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để thực hiện theo luật sửa đổi bổ sung, việc xử lý tài sản của các bản án hình sự kinh tế, tham nhũng đã đạt hiệu quả hơn” – ông Phan Huy Hiếu thông tin.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ triển khai các nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2023. Trong đó, tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Tích cực tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa tài sản nhà nước.