Trong quý 1 năm 2016, cả nước có 53.290.000 người có việc làm, giảm 211.120 người so với quý 4/2015. Trong đó, nữ có việc làm là 25.740.000 người, khu vực thành thị có 16.800.000 người (chiếm 31,68%). Thu nhập bình quân tháng từ làm việc chính của lao động làm công hưởng lương là 5.090.000 đồng, tăng 189.000 đồng so với quý 4/2015. Nhóm quản lý, chuyên môn kỹ thuật (CMKT) bậc cao và thợ vận hành máy móc có thu nhập cao nhất. DN nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân cao nhất với 7.610.000 đồng, tăng 754.000 đồng so với quý trước. Trong khi đó, có 24,4% lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp dưới 3.000.000 đồng/tháng, tăng 7 điểm phần trăm so với quý 4/2015.
Quý 1/2016, cả nước có 1.072.300 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20.700 người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,25%, tăng so với quý 4/2015 nhưng lại giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao ở nhóm thanh niên và lao động có trình độ cao. Điều này thể hiện rõ ở nhóm thanh niên từ 15 – 24 tuổi không tìm được việc làm giảm so với quý trước còn 540.700 người, nhưng vẫn chiếm đế 50,4% số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị, thanh niên từ 20 – 24 tuổi có trình độ cao đẳng (CĐ) chuyên nghiệp và đại học (ĐH) trở lên vẫn rất đáng lo ngại, tương ứng với 10,2 %, 16,3% và 19,6%. Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 1/2016 cũng chỉ rõ, có những người có trình độ ĐH trở lên vẫn chiếm nhiều nhất với 190.900 người, tiếp đến trình độ CĐ chuyên nghiệp 118.900 người, CĐ nghề 10.000 người, trung cấp (TC) chuyên nghiệp và TC nghề 77.700, sơ cấp (SC) có 32.300 người và 11.200 người có chứng chỉ nghề dưới 3 tháng. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm CĐ chuyên nghiệp vẫn giữ ở mức cao nhất với 8,07%, tiếp đến CĐ nghề 4,78% và ĐH trở lên 3,93%. Chia sẻ với báo chí về tương quan trình độ lao động giữa ĐH trở lên – CĐ – SC là 1 – 0,35 – 0,57 – 0,35, ông Đào Quang Vinh cho biết đang có bất cập. Số công nhân lành nghề của chúng ta đang quá thấp, trong khi lao động trình độ ĐH, CĐ trở lên lại rất nhiều. Đáng lẽ, tỷ lệ của công nhân kỹ thuật phải cao hơn lao động có trình độ CĐ và ĐH trở lên. Vì thế, muốn sử dụng lao động hiệu quả, ông Vinh đề nghị các cơ sở đào tạo trình độ ĐH cần có sự kết nối với các DN tốt hơn nữa. Và, phải trên cơ sở thông tin thị trường lao động, đánh giá nhu cầu việc làm trên thị trường lao động. Về việc lao động trình độ CĐ chuyên nghiệp thất nghiệp ở mức cao nhất (8,07%) nhất tồn tại nhiều tháng nay, là do nhu cầu tuyển dụng của các DN không cao. Ông Vinh đề nghị các trường CĐ chuyên nghiệp và TC chuyên nghiệp nên điều chỉnh quy mô, số lượng đào tạo theo yêu cầu của thị trường.
Ảnh minh họa. |