Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gần 400 kiến nghị về lĩnh vực môi trường được xử lý

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), trong 7 tháng đầu năm 2019, Tổng cục đã tiếp nhận 421 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp và đã xử lý 381 kiến nghị về lĩnh vực môi trường.

Đất đai là một trong những lĩnh vực có nhiều câu hỏi, kiến nghị gửi tới Bộ TN&MT.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, Tổng cục đã tiếp nhận 421 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp thông qua đường văn bản và đã xử lý được 381 kiến nghị chiếm 90,5%; số kiến nghị còn lại trong hạn đang được tích cực triển khai thực hiện (gồm 40 kiến nghị chiếm 9,5%). Trong đó, có một số vấn đề liên quan đến sửa đổi Luật bảo vệ môi trường cũng đang được Tổng cục nghiên cứu, bổ sung trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ nhận được rất nhiều các kiến nghị của địa phương liên quan đến vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định pháp luật tài nguyên và môi trường. Trên cơ sở báo cáo của địa phương và tại các Hội nghị giao ban năm 2018 và 2019, Vụ Pháp chế đã tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc, bất cập của địa phương; báo cáo Lãnh đạo Bộ phân công các đơn vị xử lý; đôn đốc bảo đảm trả lời kịp thời cho các địa phương.
Đặc biệt, về lĩnh vực đất đai - một trong những lĩnh vực có nhiều câu hỏi, kiến nghị gửi tới Bộ đã được xử lý xong và đã gửi cho Vụ Pháp chế để tổng hợp, đăng tải nội dung trả lời, giải đáp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hiện nay việc thực thi các quy định pháp luật tài nguyên và môi trường có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Những kiến nghị của các địa phương là cơ sở để Bộ TN&MT tổng hợp, sửa đổi tham mưu cho Chính phủ những chính sách, quyết định để phát triển đất nước.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ TN&MT cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau để cung cấp thông tin, tháo gỡ các vướng mắc pháp luật phải nhất quán, đồng bộ, tiếp thu được trọn vẹn những ý kiến đóng góp của các địa phương.