Hiện nay, tầm vóc của học sinh trên địa bàn TP cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng vẫn thấp hơn so với những nước đang phát triển trong khu vực. Ngoài ra, Hà Nội có biểu hiện gánh nặng kép về tình trạng dinh dưỡng học đường ở học sinh từ 6 – 14 tuổi tại trường tiểu học và THCS là tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mức cao 11%, nhưng tỷ lệ béo phì học sinh ở nội thành là 15,3% và tỷ lệ thừa cân là 21,5%. Theo điều tra sơ bộ tại 30 quận, huyện của TP năm 2017, chiều cao trung bình của học sinh lớp 12 là 1,66m với nam và 1,56m với nữ. Tuy nhiên, tật khúc xạ học đường đặc biệt là cận thị học đường đang gia tăng báo động. Bên cạnh đó, hoạt động thể lực của học sinh trên địa bàn TP chưa được đầu tư đầy đủ do thiếu cơ sở vật chất và mặt bằng, chất lượng hoạt động chưa đảm bảo. Học sinh hiện nay có khối lượng học tập ở trường và ở nhà quá lớn, thời gian dành nhiều cho xem tivi, máy tính nên ít hoạt động thể chất.Do vậy, theo kế hoạch, UBND TP xây dựng các chương trình cụ thể như: Tuyên truyền, giáo dục và vận động thay đổi hành vi về phát triển thể lực và tầm vóc người Hà Nội; Tăng cường chăm sóc dinh dưỡng, kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô; Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh từ 3 - 18 tuổi trong nhà trường; Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thể thao, xây dựng và phát triển phong trào tập thể dục, thể thao trong cộng đồng...Với các hoạt động này, TP đặt mục tiêu nâng chiều cao trung bình của người Hà Nội lên 1,69m với nam và 1,58 với nữ vào năm 2030. Đồng thời giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành, đến năm 2025 tỷ lệ học sinh lớp 5 biết bơi đạt 95% và phấn đấu 70% thanh niên trong độ tuổi 16 – 18 luyện tập thường xuyên một môn thể thao phù hợp. Theo các chuyên gia, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, cần tăng cường nhận thức và vai trò, trách nhiệm của gia đình để phát triển thể lực, tầm vóc cho thế hệ con em ngay từ lúc trong bụng mẹ.