Gần 5.000 cuộc gọi đến đường dây nóng phòng, chống mua bán người

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi hoạt động (tháng 10/2013) đến tháng 1/2016, đường dây nóng 18001567 đã tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi, trong đó có nhiều cuộc gọi kết nối, chuyển tiếp thành công.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Chiều 24/2, tại hội thảo tổng kết Dự án "Xây dựng đường dây nóng phòng, chống mua bán người" ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH thông tin, dự án được thực hiện từ tháng 7/2012 tại Hà Nội và 2 tỉnh An Giang, Hà Giang.
Từ khi hoạt động (tháng 10/2013) đến tháng 1/2016, đường dây nóng (số điện thoại 18001567) đã tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi, trong đó có nhiều cuộc gọi kết nối, chuyển tiếp thành công. Trong đó, Hà Nội có 3.745 cuộc; An Giang 1.130 cuộc và Hà Giang 350 cuộc. Các cuộc gọi đến đường dây nóng tập trung vào 3 mảng chính bao gồm: Hỏi đáp thông tin liên quan đến mua bán người; tư vấn tâm lý, chính sách hỗ trợ nạn nhân, quy trình hỗ trợ nạn nhân...; tuyên truyền.

Theo ông Nguyễn Công Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, chỉ tính riêng tại tổng Hà Nội từ khi bắt đầu tiếp nhận cuộc gọi đến tháng 1/2016 đã tiếp nhận 2.200 cuộc gọi hỏi đáp thông tin, 1.194 cuộc gọi tư vấn và chuyển tuyến gần 100 cuộc gọi đến các cơ quan, tổ chức liên quan. Trong đó, tỷ lệ cuộc gọi hỏi đáp thông tin chiếm đến hơn 70% tổng số cuộc gọi.

Ngoài số lượng lớn cuộc gọi đến từ Hà Giang và An Giang, tổng đài Hà Nội cũng tiếp nhận nhiều cuộc gọi từ các tỉnh, TP trong cả nước. Và, các cuộc gọi từ Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan với nội dung đa phần muốn được tư vấn.

Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc giai đoạn 1 vào ngày 15/3/2016. Để tăng cường và nâng cao hiệu quả của đường dây nóng về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020, Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em thuộc Bộ LĐTB&XH phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an; Cục Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Quốc phòng; Ban Chính sách - Luật pháp, T.Ư Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động của Đường dây nóng.

Tại hội thảo này có 9 kiến nghị chính gồm: Bộ LĐTB&XH và các sở LĐTB&XH xây dựng quy hoạch tổng thể đến năm 2020 cho hệ thống Đường dây nóng phòng, chống mua bán người trên cả nước; tăng cường nâng cao năng lực cho nhân viên tư vấn và cán bộ có liên quan của mình để việc phối hợp tổ chức truyền thông có hiệu quả hơn. Cũng như việc cung cấp các dịch vụ chuyển tới nạn nhân của mua bán người và người gọi được hoàn thiện và hệ thống hơn...