Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gần 600.000 thí sinh tham gia cuộc thi "Học sinh với An toàn thông tin"

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua nền tảng số vào ngày 8/4.

Lần đầu tiên Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Vụ Giáo dục chính trị Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cùng một số cơ quan, đơn vị tổ chức cuộc thi "Học sinh với An toàn thông tin".

Trang chủ cuộc thi 
Trang chủ cuộc thi 

Trong cuộc thi này, mỗi học sinh chỉ đăng ký một tài khoản để dự thi. Trước khi thi chính thức 1 lần duy nhất trong thời gian từ ngày 3/3 đến ngày 24/3, các thí sinh đã có nửa tháng để thi thử trên hệ thống thi trực tuyến thihsattt.vn để làm quen với hệ thống, và có thêm nhiều kiến thức bổ ích qua việc xem đáp án đúng cho các câu hỏi.

Bài thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi, với thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút. Nội dung thi là những kiến thức, kỹ năng phòng chống nguy cơ mất an toàn thông tin, phòng chống xâm hại trẻ em và kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng cùng các kiến thức về quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng...

Được biết, để xây dựng được một ngân hàng đề thi có chất lượng, bao quát được các nội dung thi và phù hợp với trình độ, nhận thức của đối tượng tham gia, Ban tổ chức cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 đã được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia thuộc các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin trong các đơn vị hội viên của VNISA, với hơn 700 câu hỏi trắc nghiệm trong cơ sở dữ liệu đề thi.

Vào 24 giờ ngày 24/3 vừa qua, hệ thống thi trực tuyến “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 đã được đóng, sau 22 ngày mở cho học sinh trung học cơ sở trên cả nước làm bài thi chính thức. Theo thống kê sơ bộ của Ban tổ chức, trong tổng số gần 600.000 thí sinh đã làm bài thi trên hệ thống, các tỉnh/thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Tĩnh, Bắc Ninh... là những địa phương có nhiều học sinh tham gia.

Thông tin từ Ban tổ chức cũng cho hay, lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua nền tảng số vào ngày 8/4 tới.

Ngoài ra, sự kiện này dự kiến cũng được livestream trên Fanpage cuộc thi và thông tin trên các kênh truyền thông của những đơn vị phối hợp tổ chức như Tik Tok Việt Nam, Childfund Việt Nam, World Vision Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD)...

Sau khi đóng hệ thống thi, hiện Ban tổ chức đang triển khai công tác rà soát kết quả, xác thực các thí sinh, trước khi “chốt” danh sách cuối cùng các tập thể và cá nhân giành được các giải thưởng của cuộc thi.

Theo quy chế, bên cạnh 8 giải thưởng tập thể dành cho các trường có số lượng học sinh dự thi nhiều nhất và bài thi chất lượng, Ban tổ chức cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 sẽ chọn trao 76 giải cá nhân, với 3 giải Nhất, 8 giải Nhì, 15 giải Ba và 50 giải Khuyến khích. Các học sinh đạt điểm cao còn được nhận nhiều phần quà hấp dẫn từ các đơn vị tham gia phối hợp tổ chức cuộc thi.

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cũng dự kiến duy trì cuộc thi này trở thành hoạt động thường niên trong chuỗi sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam, với mục đích tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho học sinh, phụ huynh...