Gần 79% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Bộ LĐTB&XH cho biết, trong 6 năm từ 2010 - 2015 cả nước có trên 4,1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề từ đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Số người học xong có việc làm đạt 78,7%, vượt tiêu chí đề ra là 70%. Số lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp và có việc làm trong công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 57,2%. 24,5% số người thuộc hộ nghèo sau khi học nghề có việc làm đã thoát nghèo. 4,5% số người sau khi học nghề, có việc làm đã trở thành hộ khá.

 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, kết quả, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là những nghề nông nghiệp ở một số địa phương vẫn còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Cũng như yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp dẫn đến hiệu quả sau khi học nghề không cao.

Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc nếu có thì cũng rất khó khăn.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề ban đầu còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Nhiều cơ sở dạy nghề mới chỉ đầu tư thiết bị dạy nghề cho một số nghề hoặc một phần nhưng đã được huy động tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Đề án đặt ra mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 5.500.000 lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án khoảng 3.840.000 người. Sau đào tạo sẽ có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất và thu nhập cao hơn.