Gắn biển phố Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/8, UBND quận Tây Hồ tổ chức Lễ gắn biển phố mang tên nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Đến dự có đồng chí Hồ Quang Lợi – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; nhà văn Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam và lãnh đạo Quận Ba Đình, Tây Hồ và các sở, ban, ngành; gia đình cố nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 
Gắn biển phố Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn - Ảnh 1
Đây là 2 trong số 19 tuyến đường, phố mới được đặt tên ở Thủ đô Hà Nội. Phố Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ) bắt đầu từ ngã ba giao cắt với đường Thanh Niên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng đến ngã ba giao cắt với phố Trích Sài (đối diện với nhà số 2). Chiều dài của con phố này là 2.230m, rộng 7,5-9,5m.
Phố Trịnh Công Sơn từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến giao với dốc đê đường Âu Cơ cạnh trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh, với chiều dài 900m, rộng 9,5 - 12,5m.

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Hồ Quang Lợi chia sẻ: “Trong những năm gần đây, Thành phố Hà Nội có nhiều khu đô thị mới được xây dựng khang trang, nhiều tuyến đường giao thông được quy hoạch xây dựng, nhiều công trình công cộng được xây dựng, tôn tạo mở rộng đáp ứng nhu cầu giao thông, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân Thủ đô. 

Công tác đặt tên đường, phố và công trình công cộng mới được Thành phố đặc biệt quan tâm. Đây là một việc làm có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, ghi nhận công lao đóng góp của các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống văn hoá, yêu nước cho các thế hệ trẻ noi theo”.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003), nguyên quán làng Vũ Thạch, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Ông tham gia phong trào Việt Minh khi còn là sinh viên (1941), tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc (1943). 

Năm 1945, ông là thành viên Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam; sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông là Tổng thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc, ủy viên tiểu ban dự thảo Hiến pháp và Ban Thường vụ Quốc hội (khóa I); Ủy viên BCH Hội Văn nghệ Việt Nam (1948). 

Sau năm 1954, ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật, những năm 1956-1958, ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ. Từ năm 1958 là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I,II,III; Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. 

Nhà văn Nguyễn Đình Thi có nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực về văn học, có tiểu thuyết, thơ, kịch, lý luận phê bình. Về âm nhạc, ông nổi tiếng với hai tác phẩm “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội”. Hai tác phẩm đã thành nhạc hiệu của Đài tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh truyền hình Hà Nội. 

Nhà văn Nguyễn Đình Thi được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2006), tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I năm 1996), huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

 
Gắn biển phố Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn - Ảnh 2
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (1939-2001), sinh ra tại cao nguyên Lạc Giao, sau đó lớn lên tại Huế, rồi vào trường Lyceé J.J Rousseau học tại Sài Gòn và đỗ tú tài tại đây. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác được khoảng hơn 500 ca khúc, những tác phẩm không những mang đậm một phong cách riêng mà còn gửi gắm một triết lý. 

Ông đã đạt được nhiều giải thưởng về âm nhạc như: Giải thưởng cho bài hát hay nhất trong phim “Tội lỗi cuối cùng”; Giải nhất của Cuộc thi “Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh”, với bài "Em ở nông trường, em ra biên giới"; giải Nhất cuộc thi “Hai mươi năm sau” với bài Hai mươi mùa nắng lạ; năm 1997, ông đạt giải thưởng lớn của Hội Nhạc sĩ cho một chuỗi bài hát: “Xin trả nợ người”, “Sóng về đâu”, “Em đi bỏ lại con đường”, “Ta đã thấy gì hôm nay”.

 Năm 2004, “Giải thưởng âm nhạc hòa bình thế giới” được trao cho ông vì “lý tưởng hòa bình mà ông đã đấu tranh không mệt mỏi cho nhân loại”. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có tên trong Từ điển Bách khoa Pháp Les Million. Năm 2011, Thành phố Huế đã có một con đường mang tên ông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần