Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn các thiết chế văn hóa với thể thao để phát huy hiệu quả

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/12, Đoàn khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã làm việc với UBND huyện Sóc Sơn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn trên địa TP Hà Nội từ năm 2013-2017.

Theo ông Đoàn Văn Sinh-Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Sóc Sơn, trước năm 2016, huyện đã có Trung tâm TDTT, Nhà văn hóa. Năm 2017, TP quyết định sát nhập 3 đơn vị thành lậpTrung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao gồm Ban giám đốc và 4 tổ chuyên môn nghiệp vụ. Huyện có một nhà thi đấu đa năng với 2.000 chỗ ngồi, có đủ các phòng chức năng, được lắp đặt thiết bị hiện đại, đã phục vụ tổ chức thi đấu quốc tế  (Seagames, indogames) và nhiều cuộc thi đấu quốc gia. Một sân khấu ngoài trời với diện tích 6.000m2, một sân vân động với diện tích 3,2ha đã xuống cấp, huyện đang có kế hoạch tu sửa. Ngoài ra, còn có một bể bơi được xã hội hóa, 2 sân tenis, 1 nhà truyền thống và thư viện.
 Đại biểu Quốc hội chuyên trách Bùi Huyền Mai – Trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc.
Về thiết chế văn hóa xã quản lý, hiện nay toàn huyện có 18 trung tâm văn hóa thể thao xã, 178 trung tâm văn hóa thể thao thôn làng, 312 sân cầu lông, 134 sân bóng đá, 206 sân bóng chuyền hơi, 193 sân bóng chuyền đa, 276 sân bóng cửa, 18 sân tennis, 8 bể bơi tư nhân. Các thiết chế này đã phát huy hiệu quả, thu hút được nhiều đổi tượng tham gia hoạt động. Trang thiết bị trong các trung tâm văn hóa đầu tư tương đối đầy đủ, chủ yếu được huy động từ các nguồn xã hội hóa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết, huyện có 25 xã, 1 thị trấn, toàn huyện có 35 cán bộ, công chức làm công tác văn hóa ở các xã, thị trấn. Chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở không ngừng được nâng lên và từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng được yêu cầu của công tác văn hóa tại địa phương.
 

Đoàn  khảo sát tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Sóc Sơn.

Từ năm 2013 đến nay, huyện đã triển khai xây dựng mới và cải tạo 17 trung tâm VHTT thôn làng, tổ dân phố với kinh phí trên 55 tỷ đồng. Phần lớn các trung tâm VHTT đều trang bị đầy đủ các thiết bị thiết yếu phục vụ cho hoạt động như: Âm thanh, bàn ghế; tủ sách, tranh, ảnh, khẩu hiệu tuyên truyền ; bảng tin, nội quy hoạt động... Một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng, cơ sở đã chủ động huy động xã hội hóa đầu tư một số thiết bị tập luyện TDTT như: Xà đơn, xà kép, sân cầu lông, sân bóng chuyền hơi, bóng cửa... phục vụ cho nhu cầu tập luyện TDTT của Nhân dân.
Tuy nhiên, theo các thành viên trong đoàn khảo sát, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng tại địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế: Một số nhà văn hóa thôn đã được xây dựng, nhưng chưa có một quychuẩn nào cho việc xây dựng nhà văn hóa, nhiều nhà văn hóa xây dụng không đồng bộ, thiếu trang thiết bị, quĩ đất chưa đảm bảo, theo quy định xây dựng thiết chế văn hóa của Bộ Văn hóa Thể thao hiện nay còn nhiều bất cập. Một số kinh phí duy trì hoạt động còn thiếu. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT… chưa phát huy được hết tiềm năng.
 

Đoàn khảo sát tại nhà văn hóa tổ dân phố 2, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Qua trao đổi thảo luận, Đại biểu Quốc hội chuyên trách Bùi Huyền Mai – Trưởng đoàn khảo sát cho rằng, đoàn khảo sát ghi nhận tiếp thu, kiến nghị với UBND TP Hà Nội việc xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở, chỉ đạo và đầu tư kinh phí hoàn thiện cơ sờ vật chất văn hóa thể thao của huyện; hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp quản lý thiết chế văn hóa ở các thôn làng, tổ dân phố. “Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa phải gắn với các thiết chế thể thao mới có thể phát huy được hiệu quả hoạt động. Mong huyện trong quá trình tổ chức thực hiện lưu tâm đến vấn đề này”, Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, Trưởng đoàn khảo sát cho rằng, cần phải tạo cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển toàn bộ các thiết chế văn hóa. Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền trong việc xã hội hóa trong các thiết chế văn hóa phục vụ Nhân dân. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tổ chức hợp lý phù hợp.
 

Đoàn khảo sát tại nhà văn hóa tổ dân phố 1, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.

* Đoàn đã khảo sát Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, nhà văn hóa tổ dân phố 1, nhà văn hóa tổ dân phố 2 thuộc thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.