Không chỉ dừng ở những kỳ giám sát chuyên đề, thực tế, tại các kỳ họp, hoạt động giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn cũng tiếp tục đeo bám vấn đề, cùng tìm giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề dân sinh của TP.
Thực hiện có hiệu quả quyền giám sát trực tiếp
Tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội diễn ra vào thời điểm cuối năm 2022, một nhóm nội dung được lựa chọn tái chất vấn là việc thực hiện các kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND và những cam kết, lời hứa của UBND TP, một số cơ quan của TP về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP. Đây là nhóm vấn đề đã được các đại biểu HĐND TP thực hiện chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 12/2021), tái chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 7/2022) và nhiều lần giám sát chuyên đề.
Trong phiên chất vấn, các đại biểu đã "truy" đến cùng trách nhiệm của các sở, ngành chức năng trong việc chậm tiến độ thực hiện của một số dự án như: Dự án Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong; việc thu hồi đất tại khu đất số 6, Đào Duy Anh, quận Đống Đa để tập trung đầu tư các dự án mở rộng xây dựng trường học; việc triển khai dự án trụ sở văn phòng tại số 31, 33 và 35 Lý Thường Kiệt... Các đại biểu cũng đề nghị TP cho biết việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP đối với Dự án đường trục phía Nam để kết nối với đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang triển khai...
Trước những câu hỏi đúng trọng tâm của các đại biểu, thể hiện sự theo sát tiến độ thực hiện "lời hứa", "cam kết" với từng dự án, đại diện một số sở, ngành TP đã tiếp tục giải trình về tiến độ thực hiện cũng như không ít vướng mắc còn tồn tại để cử tri và Nhân dân nắm được. Qua báo cáo của các sở, ngành TP cho thấy, rất nhiều công trình, dự án cũng đã có bước chuyển biến, có kết quả nhất định trong triển khai thực hiện như dự án số 6 Đào Duy Anh, dự án sông Tích... đã được tập trung triển khai.
Đặc biệt, tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, đại biểu HĐND TP cũng chất vấn về công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn TP, vấn đề đã được giám sát thực tiễn trước đó.
Các đại biểu đã nêu thực trạng hiện nay còn 300/313 làng nghề chưa có hệ thống nước thải tập trung; 28/70 cụm công nghiệp chưa có hệ thống nước thải tập trung. Tình trạng các cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng không hoạt động, xuống cấp hoặc chưa được đầu tư đồng bộ như: Cụm công nghiệp Yên Nghĩa - Hà Đông; cụm công nghiệp Liên Hà - Đan Phượng; cụm công nghiệp Bát Tràng - Gia Lâm; cụm công nghiệp Tân Triều - Thanh Trì... Từ đó, các đại biểu "truy" trách nhiệm của các sở, ngành, TP trong vấn đề này và cho giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Đánh giá về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định: “Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm. Người hỏi ngắn, gọn, rõ ràng, người trả lời đi thẳng vào đúng vấn đề được chất vấn. Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy hoạt động giám sát, giải trình và nhất là chất vấn của HĐND TP ngày càng được đổi mới, đảm bảo quy định của Luật. Kết quả bước đầu đạt được theo hướng thực chất, hiệu quả và có sản phẩm cụ thể, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân Thủ đô”.
Ngay sau kỳ họp, Thường trực HĐND TP ban hành Nghị quyết hoặc Thông báo kết luận trong đó kèm theo phụ lục các vấn đề, các cam kết của UBND TP và các cơ quan liên quan có thời gian, tiến độ cụ thể làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, tái giám sát việc thực hiện.
Nội dung giám sát là cơ sở để chất vấn, tái chấn vấn tại kỳ họp
Để có phiên chất vấn sôi nổi, thẳng thắn, Thường trực cùng các Ban, các tổ ĐB HĐND trước đó đã thực hiện nghiêm túc chương trình giám sát năm. Từ những nội dung giám sát, khảo sát đã được tổng hợp, đề xuất lên Thường trực HĐND TP để lựa chọn làm vấn đề chất vấn, giải trình tại các kỳ họp nhằm đi đến tận cùng sự việc.
Cụ thể, trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát, HĐND TP đã tiến hành 2 cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP; việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP.
Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP cũng tổ chức khảo sát việc thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP; giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra và kiểm toán nhà nước đối với các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT trong giai đoạn 2016 - 2021. Ban Đô thị HĐND TP tổ chức khảo sát thực tế tại một số dự án thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP (bao gồm thoát nước, xử lý nước thải đô thị, nước thải khu công nghiệp, nước thải cụm công nghiệp và nước thải làng nghề)...
Với việc nắm bắt, lựa chọn đúng và trúng những vấn đề quan trọng, bức xúc được đông đảo cử tri, dư luận xã hội quan tâm, năm qua HĐND TP đã kịp thời ban hành Nghị quyết và đôn đốc kiểm tra, giám sát, tái giám sát.
Trước tình hình thích ứng an toàn phòng dịch, các cuộc giám sát, khảo sát của HĐND TP được thực hiện linh hoạt, quyết liệt, toàn diện, sâu sát và hiệu quả. Tại các Kỳ họp của HĐND TP, hoạt động chất vấn, thảo luận, giải trình trên nghị trường được tổ chức tốt; kiến nghị nhiều biện pháp quan trọng để Thành ủy, UBND TP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời các nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá và các vấn đề dân sinh bức xúc, được dự luận và cử tri đánh giá cao.
"Thời gian qua, hoạt động của HĐND TP Hà Nội tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất và hiệu quả. HĐND TP đã chọn “đúng” và “trúng” các vấn đề quan trọng, cấp bách để giám sát, chất vấn, giải trình. Sự phối hợp hoạt động giữa các cấp HĐND và giữa HĐND với các cơ quan trong hệ thống chính trị thường xuyên và chặt chẽ hơn. Hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND TP ngày càng sát thực tiễn, sát dân, sát cơ sở và phát huy hiệu lực, hiệu quả." - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải