Kết quả nhưng chưa hiệu quả
Sau 3 năm triển khai Đề án 1956, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho 1.088.393 lao động nông thôn (đạt 77,7% kế hoạch); trong đó có 480.897 người được học các nghề nông nghiệp (chiếm 44,2%), và 607.496 người được học nghề phi nông nghiệp (chiếm 55,8%). 78,9% số người được học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ có năng suất và thu nhập cao. Cũng trong 3 năm, tổng kinh phí hỗ trợ dạy nghề đã sử dụng là hơn 1.641 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư đã hỗ trợ hơn 1.060 tỷ đồng (chiếm 64,6%), còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn khác.
Giờ học sửa chữa điện tử tại Trung tâm dạy nghề Hoàn Kiếm. Ảnh Mạnh Dũng
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tại một số địa phương, tình trạng đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế, đào tạo dồn dập, cấp tốc để đạt chỉ tiêu, dẫn đến chất lượng không bảo đảm. Mức hỗ chợ cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách còn hạn chế khiến người nghèo không mặn mà tham gia hoặc tham gia học nghề rồi nhưng không có vốn để đầu tư vào sản xuất, mở lớp học nghề không tính đến đầu ra, dẫn đến học xong không có việc làm. Tại Hà Nội, mặc dù đã đạt được một số kết quả trong thực hiện Đề án nhưng vẫn còn 50% số huyện chưa bố trí được cán bộ chuyên trách quản lý về đào tạo nghề. Vẫn còn 3 huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Phúc Thọ chưa thành lập được trung tâm dạy nghề. Đặc biệt, số lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn để tạo việc làm thấp, hiện mới đạt 4,9%.
Quan tâm đến vùng núi, vùng khó khăn
"Thủ tục tổ chức được các lớp nghề kéo dài, học viên phải chờ đợi, dẫn đến nhiều người đăng ký rồi lại bỏ học. Mặt khác, thời gian học các nhóm nghề trồng trọt và chăn nuôi phải phụ thuộc vào quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi nên việc dạy nghề không thể diễn ra thường xuyên, liên tục, ảnh hưởng đến tâm lý và thời gian thực hiện của các cơ sở dạy nghề và người học nghề". Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT |
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đề nghị Chính phủ sửa đổi một số chính sách của Quyết định 1956 như: Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm dạy nghề, bổ sung thêm biên chế phụ trách công tác dạy nghề cho các phòng LĐ - TB - XH... Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc dạy nghề cho lao động nông thôn cần có cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng dạy nghề ở khu vực nông thôn, vùng núi, giao thông đi lại khó khăn, nếu không sẽ khó thu hút. Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ người dân trong các khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, về cơ chế chính sách cho người học và các đơn vị tham gia dạy nghề, Bộ sẽ tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo trình Thủ tướng sửa đổi một số nội dung liên quan đến cơ chế chính sách phục vụ Quyết định 1956.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chương trình có tác động mạnh đến phong trào xây dựng nông thôn mới. Do đó, đào tạo nghề cho lao động sẽ góp phần tạo ra các mô hình sản xuất hiệu quả, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Hiện nay còn 10 huyện (chiếm 1,5% tổng số huyện) và 687 xã (chiếm 6,4% tổng số xã) chưa thành lập được Ban chỉ đạo chương trình, từ nay đến hết năm 2013, các địa phương cần hoàn thành. Đối với một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách theo Quyết định 1956, các địa phương sớm đóng góp ý kiến để Ban chỉ đạo chương trình tổng hợp và sửa đổi trong tháng 8/2013. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần triển khai quyết liệt hơn nữa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đào tạo phải gắn với thực hành và đào tạo theo nhu cầu xã hội, tránh tình trạng sau học nghề lao động không tìm được việc làm.