[Gạn đục, khơi trong mùa lễ hội] Bài 2: Âu lo mùa lễ hội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một mùa lễ hội yên bình với những nét đẹp vô giá về tinh thần, tâm linh, mang theo nhiều mong ước, nguyện cầu đang diễn ra, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của văn hóa từ bao đời truyền lại.

Nhưng cùng với đó, dễ nhận thấy rằng lễ hội dường như ngày càng nhiều, địa điểm tổ chức ngày càng mở rộng, di tích được xây ngày một lớn với niềm tin ngày càng mạnh mẽ. Trong đó, không ít lễ hội dần xa hệ giá trị văn hóa vốn có, vượt qua ranh giới tín ngưỡng sa đà vào lễ bái, trở thành mê tín gây lãng phí.

>>> BÀI 1: Tìm về dòng chảy văn hóa hội làng

Lộn xộn, bát nháo

Trong không khí vui tươi của mùa Xuân, khắp nơi trên cả nước, người dân đến với lễ hội ngoài nhu cầu vui chơi, giải trí, quên đi những tháng ngày lao động cực nhọc, còn để hòa mình vào không gian văn hóa.

Người dân dùng tiền để xoa vào chùa Đồng (Yên Tử). Ảnh: Lại Tấn
Người dân dùng tiền để xoa vào chùa Đồng (Yên Tử). Ảnh: Lại Tấn

Để từ đó, văn hóa thẩm thấu, làm biến đổi con người, giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để xây dựng cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn. Lễ hội giống như bảo tàng sống, nơi văn hóa của một cộng đồng dân cư được hồi sinh, được trao truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau.

Dù lễ hội bao chứa một ý nghĩa vô cùng sâu sắc nhưng thực trạng môi trường văn hóa trong các lễ hội truyền thống những năm gần đây bị biến tướng rất nhiều.

Dưới ảnh hưởng của kinh tế thị trường, lễ hội đã có những biểu hiện thương mại hóa rõ rệt. Bởi với nhiều người, họ coi lễ hội đầu Xuân là dịp làm ăn, kiếm tiền dù trái với quy định. Nhiều dịch vụ như đổi tiền lẻ, buôn bán, môi giới, dịch vụ cũng mọc lên như nấm trong các lễ hội khiến cho môi trường lễ hội ngày càng xô bồ, giá trị vật chất lấn át giá trị văn hóa, đạo đức.

Anh Nguyễn Hữu Thắng (Đan Phượng, Hà Nội) kể lại: “Tại chân núi Yên Tử, tôi vừa vào bãi gửi xe đã bị 4 - 5 người vây lấy để mời chào từ dịch vụ mua vé cáp treo, ăn cơm trưa, mua nón, đổi tiền lẻ với giá chênh lệch. Họ nói đi lễ phải có tiền lẻ xoa vào chùa đồng, vào tượng mang về nhà mới may mắn. Nếu không mua, họ đeo bám và đi tới cổng ra vào khu vực cầu Hạ Kiệu”.

Tại phủ Tây Hồ (Hà Nội), các cửa hàng ăn uống hay bán động vật để phóng sinh chiếm khá nhiều diện tích khiến lối đi trở nên nhỏ hẹp khi lượng người đổ về đông, đôi chỗ bán động vật phóng sinh còn gây mất vệ sinh môi trường.

Hành hương lễ Phật, ai cũng muốn có được không gian tĩnh lặng, trang nghiêm. Hầu hết các di tích tại TP đều niêm yết quy tắc ứng xử nơi công cộng ở nơi dễ thấy, trong đó có nội dung về quy tắc ứng xử tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố tình “phớt lờ”.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, dọc dòng suối Yến (chùa Hương), đủ thứ âm thanh phát ra. Thậm chí, một số du khách còn ngang nhiên đánh bài, hò hét trên thuyền. Chẳng ai muốn thấy những hình ảnh phản cảm tại một nơi linh thiêng. Và có lẽ cả những hình ảnh thịt thú rừng dù thật hay giả bày bán công khai cũng vậy.

Thế tục hóa đời sống tâm linh

Đền Bà Chúa Kho là một trong những di tích cổ kính gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử của vùng đất Kinh Bắc. Từ lâu ngôi đền này đã đi vào tâm linh tín ngưỡng dân gian “sở cầu đắc cầu, sở nguyện đắc nguyện”.

Người dân dùng tiền để hứng "nước thánh" trong động Hương Tích (khu thắng cảnh Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Tú
Người dân dùng tiền để hứng "nước thánh" trong động Hương Tích (khu thắng cảnh Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Tú

Ngôi đền đông đúc vào hai dịp đầu năm và cuối năm theo quan niệm “đầu năm đi vay, cuối năm đi trả”. Hằng năm có tới hàng ngàn lượt khách từ khắp nơi đổ về Bà Chúa Kho hay cầu xin phúc lộc.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, so với những năm trước, lượng vàng mã được người dân đưa đến đền làm lễ đã giảm, nhiều người cũng đã ý thức được việc hạn chế sử dụng vàng mã, tự chuẩn bị mâm lễ bằng trái cây.

Tuy lượng vàng mã đã giảm nhưng các lò hóa vàng mã vẫn liên tục đỏ lửa. Có người ném thẳng cả mâm lễ vào lò hóa vàng. Đáng nói, tình trạng nhét tiền lẻ vào khu thờ tự Bà Chúa Kho vẫn diễn ra. Sau khi khấn vái, nhiều người dân vẫn cố nhét bằng được tiền lẻ qua khe cửa, tạo nên hình ảnh phản cảm nơi thờ tự.

PGS.TS Ngô Văn Giá - Chủ tịch Hội đồng khoa học Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: Con người hiện đại đã đánh mất tính thiêng liêng với tín ngưỡng, tôn giáo nói chung. Nhắc đến lễ hội, đi lễ hội, người ta không còn thấy thiêng liêng nữa. Đó là khi người ta ngày càng thực dụng, đi lễ không phải là để vãn cảnh, sửa sang tâm linh, hướng tới sống thiện mà để xin - cho, cầu phát tài phát lộc. Vì cầu lợi cho bản thân là chính, cho nên khi đến cầu cúng, nhiều người dâng “mâm cao cỗ đầy”, quá nhiều vàng mã, xa hoa lãng phí. Ngoài lễ vật, người dân còn nhét thêm tiền lẻ vào mâm lễ để đưa vào đền cúng bái.

Theo báo chí phản ánh, chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cũng rất đông khách. Không biết người ta đồn đãi thế nào, mà nhiều người tìm đến đây vì mục đích chữa bệnh. Chữa bằng cách xoa dầu gió lên tượng thần hổ, rồi xoa lên người mình. Không chỉ ở chùa Hương Tích, mà ở nhiều đình, chùa khác, người ta chen nhau xoa tượng, với quan niệm càng xoa nhiều càng được may mắn.

Nhiều người đã đặt câu hỏi, kèm theo những lời than phiền rằng: Phật nào có thể nhận tiền "hối lộ" để ban lộc cho con người? Thần hổ, thần cá, thần rồng nào có thể trị bệnh cho con người bằng xoa dầu gió, đem lại may mắn cho con người bằng sự vuốt ve. Đó là sự u mê.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã có thông báo về tổ chức nghi lễ cầu nguyện bình an trong dịp Tết cổ truyền Xuân Quý Mão 2023.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị các chùa khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo; đồng thời, trong công tác tổ chức phải lưu ý tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh không đúng với thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống dân tộc. Truyền thống Phật giáo không có nhét tiền vào tay Phật, không có xoa dầu vào thần hổ để chữa bệnh, không đốt vàng mã để mặc cả với người âm.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ: “Thật phản cảm khi một bộ phận người dân có hành vi nhét tiền vào tượng Phật, ban thờ. Tôi trông thấy rất phản cảm, Phật là bậc cao siêu rồi, đang ngồi thiền rất uy nghiêm, khép chặt tay rồi nhưng người dân vẫn cố nhét tiền vào khe.

Nếu ai đó chụp ảnh lại thì lại thành Phật cầm tiền. Những người có điều kiện, vị thế đến lễ chuẩn bị lẵng hoa, lẵng quả cẩn thận nhưng nói gì thì nói các bác lại cho vào phong bì đàng hoàng hơn cũng là dạng đồng tiền giọt dầu. Vì vậy người dân nếu có tấm lòng hãy cho vào hòm công đức để tránh phản cảm”.

Cũng theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết, đại diện các chùa đã nhắc nhở rất nhiều, nhưng vì tập tục nhiều năm mà người dân chưa bỏ được thói quen xấu này. Để người dân bỏ thói quen này phải tuyên truyền thật kỹ, làm đồng bộ trong cả nước.

Đáng buồn nhất là người dân địa phương, vốn đóng vai trò chủ thể của lễ hội truyền thống, thì hiện nay ở nhiều nơi, lại bị biến thành khách thể của lễ hội. Không ít lễ hội đã bị sân khấu hóa, kịch bản hóa, thuê các đoàn nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp, thậm chí có địa phương còn thuê cả đoàn văn nghệ hát nhạc trẻ biểu diễn.

Gần đây, trên mạng xã hội còn xuất hiện hình ảnh người mặc hở hang biểu diễn múa trong Lễ khai hội chùa Hương. Họ thậm chí còn mời ca sĩ thế tục đến hát. Đây là một hành động nhảm nhí tại chốn linh thiêng như chùa chiền. Điều này cho thấy sự sáng tạo nghi thức chùa chiền, cụ thể là âm nhạc Phật giáo ở Việt Nam vẫn còn nghèo nàn. Trong khi đó nhiều tôn giáo khác có rất nhiều tác phẩm âm nhạc chất lượng. “Lễ hội mà hát những giai điệu của nhà Phật có phải hay và ý nghĩa hơn không” - PGS.TS Ngô Văn Giá cho hay.

Những bất cập đó khiến cho lễ hội bị dung tục, tầm thường hóa, tính độc đáo, trang trọng, thiêng liêng của nhiều lễ hội bị phai nhạt. Lễ hội truyền thống đứng trước nguy cơ mất dần những vẻ đẹp vốn có, thiếu đi ý nghĩa giáo dục văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ.

 

"Những bất cập trong các lễ hội rất nhiều: Đông đúc chen lấn, cờ bạc, rượu chè, ách tắc giao thông, an ninh lộn xộn, bạo lực bởi tranh giành cướp lộc, nạn chặt chém các dịch vụ, cá độ ăn tiền, mê tín dị đoan, hành động phản cảm... Qua một thời gian, chính quyền và ban tổ chức lễ hội từng bước chấn chỉnh và đỡ dần.

Chúng ta hướng đến một lễ hội thành tâm, an toàn, văn minh, vui vẻ, hòa nhã, lịch sự, kính trọng thần thánh, tôn trọng con người. Tuy nhiên, không thể ảo tưởng tất cả người tham gia lễ hội được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng, một cõi thần tiên.

“Đông như hội” mỗi người một kiểu, mỗi người mỗi tâm trạng, mỗi kỳ vọng, mỗi ứng xử khác nhau. Lễ hội cổ truyền là một loại di sản văn hóa, tổ chức UNESCO có những quy định rất đúng đắn, đó là sự quan hệ biện chứng giữa 4 nhiệm vụ: Thấu hiểu - bảo tồn - phát huy - quảng bá." - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

 

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần