Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gạn đục khơi trong mùa lễ hội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuân Quý Mão 2023, cả nước đang bước vào mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Tính đến thời điểm này, hầu hết các lễ hội diễn ra an vui, chưa nơi nào trở thành điểm nóng.

Thời gian các hoạt động lễ hội tạm ngưng bởi Covid-19 đã là dịp để lắng lại, để nghĩ và bàn luận về những nét đẹp, giá trị đích thực của lễ hội.

Bài 1: Tìm về dòng chảy văn hóa hội làng

Theo thống kê, nước ta hiện có gần 9.000 lễ hội, tức là mỗi ngày, bình quân có tới trên dưới 20 lễ hội. Song thực tế cho thấy, nhiều lễ hội được thổi phồng quy mô nên mất đi bản sắc. Vì vậy, những năm gần đây, trong khi đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, lễ hội ngày càng mở rộng, nhiều người tìm về với lễ hội của các làng quê, quy mô nhỏ, ấm cúng, xa nơi đô thị để cảm nhận rõ hơn bản sắc văn hóa truyền thống khi lòng người hân hoan chào đón năm mới.

Giữ đất lề, quê thói của lễ hội

Trong lễ hội làng, người dân thực sự là chủ thể. Người được khiêng kiệu, người rước lễ… khiến cả phe, giáp dòng họ đều nô nức, vinh dự. Hội làng hấp dẫn với tất cả mọi người từ người già tới trẻ nhỏ. Có những hội làng thậm trí đã trở thành tiêu biểu, nổi tiếng gần xa như: Hội Cổ Loa, Lệ Mật và Phù Đổng (Hà Nội); hội Đồng Kỵ, hội Lim, hội chùa Dâu, hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); hội Yên Thế, Xương Giang, Thổ Hà, Vạn Vân (Bắc Giang). Những lễ hội này không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi làng mà đã trở thành điểm đến của du khách khắp cả nước.

Mùng 9 Tết Quý Mão 2023 hội làng Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội thu hút đông đảo người dân. Ảnh: Ngọc Tú
Mùng 9 Tết Quý Mão 2023 hội làng Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội thu hút đông đảo người dân. Ảnh: Ngọc Tú

Trong lễ hội, bởi có phần hội nên tại các hội làng, phần vui chơi, diễn xướng hay các trò chơi dân gian là những yếu tố không thể thiếu, thu hút nhiều người tham gia.

Cũng chính vì thế, các trò chơi dân gian được duy trì và được biết đến nhiều hơn, các loại hình nghệ thuật truyền thống có đất diễn và được truyền lại cho các thế hệ tiếp nối. Điều này càng làm phong phú và đặc sắc hơn kho tàng văn hóa truyền thống Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Làng Hồi Quan thuộc phường Tương Giang, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Trong những ngày làng vào đám - mở hội, ở đây thường tổ chức nhiều trò chơi vui như: Đánh vật, chọi gà, cờ tướng... Tiếng pháo khai xuân, khai hội, tiếng trống cầm chầu, cầm trịch vang vang thay cho tiếng lách cách của khung dệt thường ngày.

Có lẽ những trò chơi trong hội lễ ở đây đã được các nghệ sĩ dân gian mô tả lại, ghi khắc trên các bức chạm ở đình làng. Ngày 30/1 (tức mùng 9 Tết) làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), Hà Nội đã tổ chức lễ hội thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia.

Trong không gian lễ hội có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn. Sau khi kết thúc ba tuần tế, diễn ra điệu múa chạy cờ, tái hiện hào khí năm xưa của nghĩa quân Phùng Hưng thao luyện binh mã trước ngày ra trận. Trong đó, tâm điểm là điệu múa "Con đĩ đánh bồng" - điệu múa cổ do trai làng đóng giả làm con gái. Ngay từ sớm, 18 thanh niên tham gia múa bồng sửa soạn, má phấn, môi son, đầu chít khăn mỏ quạ, váy nhiễu màu đen với những dải màu ngũ sắc.

Mắt lúng liếng, miệng cười xinh, 18 thanh niên vừa múa nhún nhảy, vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, duyên dáng. Họ thướt tha hòa cùng nhịp trống dồn dập khiến người xem thích thú. Lễ hội nhằm tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, người đã mang lại cuộc sống no ấm, yên bình cho dân làng.

Ngày 11 tháng Giêng hàng năm, làng An Định (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) có tập tục xin lửa cầu may từ bao đời nay. Ngày cuối hội làng, vàng mã được hóa và người dân lấy lửa đó đem về nhà gọi là "lấy đỏ" năm mới.

Vào đêm diễn ra, người dân tới đình làng, trên tay ai cũng cầm theo thẻ hương, chờ đề cuối hội sẽ dùng để xin lửa mang về dâng lên ban thờ tổ tiên. Dân làng An Định coi việc châm hương từ lửa vàng mã là "lấy đỏ", "đỏ" tượng trưng cho sự may mắn và sung túc. Hàng trăm người tới xin lửa, nhưng không có chen lấn hay xô đẩy. Họ vun vén ngọn lửa cho nhau, thể hiện tình làng nghĩa xóm bền chặt.

Ngày nay, những tục lệ của hội làng tiếp tục được phát huy, một số được đơn giản hóa cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng nhờ những tục lệ đó mà dân làng đã giữ được “đất lề, quê thói”, tình đoàn kết xóm làng luôn luôn được bảo vệ và phát huy. Từ đó, những ngôi đình cổ kính được Nhân dân trong thôn bảo vệ, gìn giữ, đến nay vẫn đứng uy nghi, trầm mặc trên nền đất cũ làng xưa.

Thay đổi hình thức để hội hè văn minh

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, mỗi mùa lễ hội, nhiều mặt trái xuất hiện làm đau đầu những nhà quản lý cũng như cộng đồng. Tại Hà Nội, lễ hội đền Sóc (thờ Thánh Gióng, tại huyện Sóc Sơn) cùng với lễ hội Gióng ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội đền Sóc có màn phát lộc là hoa tre sau khi dâng thánh, nhưng có năm, lễ phát lộc trở thành màn ẩu đả. Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) mọi năm đều diễn ra tình trạng đốt vàng mã bừa bãi, xuồng máy đi trên suối Yến, xem bói thuê, người chèo đò vòi tiền khách, khách bị “chặt chém” khi sử dụng các dịch vụ đi lại, ăn uống, tiền lẻ được rải khắp các ban thờ cho đến gốc cây.

Hội phết Hiền Quan (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) có màn đánh phết tái hiện cảnh luyện tập cho quân sĩ xưa của nữ tướng. Nhưng màn đánh phết cũng hơn một lần trở thành những màn ẩu đả khiến nhiều thanh niên phải nhập viện do quan niệm ai giành được quả phết sẽ là người giành được may mắn. Và những lễ hội được điểm danh là bạo lực đã bị thay đổi hình thức tổ chức để đảm bảo lễ hội văn minh.

Xã hội thay đổi, nhu cầu của con người thay đổi thì mục đích, ý nghĩa và các thực hành lễ hội cũng thay đổi theo. Hầu hết hội làng được rút ngắn chỉ còn một đến hai ngày, chỉ giữ lại những nghi lễ cơ bản, còn lại đều đã được lược bỏ. Hội được cô đọng hết mức có thể, để phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Lễ hội đền Trần, lễ hội đền Sóc đều phải thay đổi hình thức tán lộc, phát ấn. Lễ hội phết Hiền Quan cũng phải dừng đánh phết, mùa lễ hội xuân Quý Mão này, Ban tổ chức bố trí ba lớp rào, với lực lượng an ninh dày đặc. Lễ hội đền Sóc cũng tạm ngăn được tình trạng cướp lộc bằng hàng rào công an, dân quân tự vệ.

Hiện nay, nhiều lễ hội đã được chính quyền địa phương nâng cấp không ngừng, từ hội làng thành những hội vùng, quốc gia... nhằm khuếch trương danh tiếng và thúc đẩy phát triển du lịch. Thậm chí, nhiều lễ hội đã bị đứt đoạn suốt mấy chục năm, nhưng đến khi khôi phục thì phục dựng sai lệch, làm mới tất cả nghi thức.

Những tiêu cực như sự cuồng tín, đánh nhau, xô xát chủ yếu xảy ra trong những lễ hội được nâng cấp này. Còn các hội làng trên cả nước, do cộng đồng đứng ra tổ chức vẫn được làm bài bản, diễn ra rất nghiêm chỉnh và thanh bình. Người dự hội không phải tranh giành lộc, ấn đến nỗi đánh nhau mà ai cũng vui vẻ, hồ hởi để mong chờ những điều tốt đẹp.

(Còn nữa)

 

"Trải qua hàng nghìn năm, lễ hội được duy trì thường xuyên vào dịp nhất định trong năm, không chỉ hình thành các ý niệm chung của cộng đồng mà còn làm tươi mới các mối quan hệ trong xã hội. Sau một năm lao động, làm việc vất vả, cộng đồng lại được gặp nhau, cùng cầu mong sự an lành cho làng xóm, mùa màng tốt tươi, được các vị thành hoàng, thánh thần trợ giúp. Tâm thức mong muốn cho một tương lai cộng đồng tốt đẹp ngày càng được củng cố." - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa - PGS.TS Nguyễn Văn Huy