Gắn kết di sản văn hóa với phát triển bền vững

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/3, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế về phát huy giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam.

Điều hành Hội thảo về phía T.Ư có: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ VHTT&DL - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương; Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo.

Về phía TP Hà Nội có Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn

Di sản là tài sản vô giá

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 1972 (Công ước bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên thế giới) vào năm 1987. Đến nay, Việt Nam có 8 di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh, đã và đang đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của cộng đồng, của các địa phương.

Hơn thế nữa, đây không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn của cả nhân loại, góp phần làm đa dạng, phong phú bản đồ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước 1972, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho việc bảo vệ, bảo tồn, quảng bá, giáo dục cho thế hệ tương lai các giá trị của di sản thế giới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn

Phát biểu tai Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Thủ đô Hà Nội với vị trí là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu về số lượng di tích, được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hoá vô cùng phong phú.

Tất cả di sản văn hóa trên chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô, góp phần tạo nên diện mạo độc đáo của đất Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm của lịch sử. Đó cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn

Kể từ năm 2010, sau khi UNESCO công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới, Chính phủ Việt Nam, UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan đã tập trung cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, kỹ - mỹ thuật, phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di sản để tuyên truyền và lưu lại cho các thế hệ mai sau.

Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh. Các cuộc trưng bày, triển lãm đã thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023, khu di sản đón tiếp hơn 210.000 lượt khách tham quan (trong đó có 20% là khách quốc tế) và hơn 21.000 lượt học sinh tham gia học tập, tìm hiểu về di sản.

Trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được định hướng là địa chỉ đi đầu trong phát triển không gian sáng tạo văn hóa. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật đương đại, kết nối di sản với cộng đồng và giới trẻ.

Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2022, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình số 06 của Thành ủy về về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.

Để phát huy giá trị các di sản văn hóa, phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội, TP sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về gắn kết di sản văn hóa với phát triển công nghiệp văn hóa ở các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô…

Đặc biệt, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu trong hoạt động bảo tồn giá trị các di sản văn hóa gắn kết với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Hài hoà giữa giá trị truyền thống và vấn đề đương đại

Tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo nhấn mạnh: Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cần phải lồng ghép nhiều giải pháp.

Những giải pháp đó có thể nằm ngoài việc bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể. Bởi trong công tác bảo tồn phải tính đến sự hài hoà giữa giá trị truyền thống và vấn đề đương đại. Nếu không có tầm nhìn tổng thể, các di sản sẽ chỉ là phần nối dài của quá khứ.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo phát biểu tại Hội thảo.
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý Nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) Nguyễn Văn Sơn cho biết: Từ TP được mệnh danh là nơi “dưỡng già”, sau 20 năm, Hội An đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng. Năm 2019, Hội An đón 5,5 triệu lượt du khách, trong đó có trên 3 triệu lượt quốc tế.

“Những chiếc xích lô tại Hội An kiếm được cả tỷ đồng, thu nhập cao, đảm bảo sinh kế của người dân. Qua đó, người dân ủng hộ Nhà nước bảo tồn, phát huy, giữ gìn di sản” – ông Nguyễn Văn Sơn cho hay.

Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn
Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sơn cũng chia sẻ: Hội An có đặc thù phần lớn di tích là của người dân, đa phần phục vụ mục đích kinh doanh nên có phát sinh việc cơi nới, cải tạo, gây biến dạng di sản. Đồng thời, có tình trạng "chảy máu" di sản, nhiều nhà cổ bị bán để chia cho các thành viên trong gia đình. Vì vậy, nếu không có chính sách bảo tồn, một ngày nào đó di sản mất đi hồn cốt.

Từ ý kiến của đại diện các địa phương sở hữu di sản, các nhà khoa học, Hội thảo đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới.

Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản. Cùng với đó, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

 

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu đánh giá tổng quan công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, khẳng định sự đóng góp của di sản đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước nói chung, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, với 2 chủ đề: Phát huy vai trò của di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững của Việt Nam và Phát huy giá trị di sản - thực tiễn và kinh nghiệm.

Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam phê chuẩn Công ước 1972 về Bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần