Gắn kết du lịch để phát triển làng nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tại, cả nước có hàng ngàn làng nghề truyền thống. Chỉ tính riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai TP tiềm năng lớn của du lịch, làng nghề truyền thống cũng có con số rất lớn.

Nhưng để các làng nghề phát triển và được nhiều khách du lịch biết đến thì cần có sự gắn kết trong những tour du lịch.

Sản phẩm du lịch hấp dẫn

Phải khẳng định, các làng nghề truyền thống đã có sẵn các sản phẩm du lịch mang phong vị riêng của địa phương. Đó là một thế mạnh để thúc đẩy du lịch. Hà Nội đã nức tiếng cả nước với lụa Vạn Phúc, nón Chuông, khảm trai Chuyên Mỹ… Còn TP Hồ Chí Minh có làng làm bánh tráng truyền thống Phú Hòa Đông (Củ Chi), làng làm đèn lồng Phú Bình (Tân Phú)…
Bánh tráng Phú Hòa Đông chuẩn bị xuất khẩu.
Bánh tráng Phú Hòa Đông chuẩn bị xuất khẩu.
Chẳng cần tìm hiểu xa xôi, chỉ cần ghé Phú Hòa Đông nghe người dân kể là đã hiểu ít nhiều “cốt cách” của sản phẩm truyền thống gắn với tên làng. Như chị Nguyễn Thị Hồng - nghệ nhân làm bánh tráng cho biết: “Bánh tráng Phú Hòa Đông được sản xuất từ loại gạo ngon nhất kết hợp với công nghệ truyền thống nên có hương vị độc đáo. Bánh gồm nhiều chủng loại, kích cỡ dày mỏng và hương vị khác nhau, đáp ứng đa dạng sở thích của khách hàng bốn phương… Bánh thường được ăn kèm với các loại rau sống, rau thơm, thịt và bún cùng loại nước chấm đặc trưng của làng nghề. Khi khách hàng mua bánh thường được kèm với gia vị và được hướng dẫn cách pha chế làm cho nước chấm ngon nhất”.

Hay đến xóm lồng đèn Phú Bình nghe nghệ nhân trong làng “khoe”: Nghề làm lồng đèn thủ công truyền thống Phú Bình có nguồn gốc từ làng nghề ở Bác Cổ, Nam Định, Hà Nam, những nghệ nhân ở các làng nghề này ly hương vào Sài Gòn mang theo cả nghề truyền thống của quê hương mình... Quy trình hoàn thiện một sản phẩm lồng đèn được chia ra nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và tâm huyết của người chế tác. Nghệ nhân làm lồng đèn Nguyễn Văn Sỹ cho biết: “Nhà tôi đã 4 đời làm nghề lồng đèn và chưa có nghề nào lại tỉ mỉ, chi tiết và tốn nhiều thời gian như nghề này. Ít nhất cũng 10 công đoạn mới hoàn thiện được một con đèn, công đoạn nào cũng phải bỏ công sức và tình cảm vào. Chỉ một loại đèn bươm bướm đã cần chuẩn bị 5 loại nan khác nhau để tạo dáng…”. Chính vì sự tỉ mỉ và kỳ công ấy mà Phú Bình có cả thị trường tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và miền Trung, hiện một số khách du lịch nước ngoài cũng rất thích thú mua làm kỷ niệm.

Kết nối với du lịch

Theo TS Huỳnh Quốc Thắng - Trưởng bộ môn Văn hóa ứng dụng, Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh: Làng nghề và những giá trị văn hóa thể hiện ngay trong chính những sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Sức sống cho sự phát triển của làng nghề chính là không gian văn hóa phi vật thể của làng nghề - những nếp sinh hoạt cộng đồng như tín ngưỡng, lễ hội, phong tục mà mỗi tập thể làng nghề trong quá trình sinh sống đã hình thành nên và gìn giữ như một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương, dân tộc cũng như bản thân làng nghề.

TS Ngô Thanh Loan - Trưởng bộ môn Du lịch, Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Phát triển du lịch làng nghề chính là góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững, bởi lẽ du lịch làng nghề không chỉ giúp mở rộng thị trường theo cách “xuất khẩu tại chỗ”, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn, chính nó phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề một cách tích cực”.

Nghĩa là khi làng nghề kết nối với du lịch sẽ “vẹn cả đôi đường”. Sản phẩm du lịch đã có sẵn, làng nghề cần có sự kết nối để trở thành những “điểm đến” trong tour du lịch. Yếu tố này cần có sự vào cuộc của các đơn vị và các cơ quan quản lý về du lịch.